Năm 2014, từ các nguồn vốn vay, trong đó có Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) của huyện, gia đình chị Lưu Ngọc Huyền ở đội 4, xóm 1, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã đấu thầu đất, xây dựng trang trại rộng 12 nghìn m2 đào ao, kè bờ, nuôi các loại cá truyền thống, xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà, lúc cao điểm nuôi khoảng 100-120 con lợn thịt, 10 con lợn nái. Trung bình mỗi năm, gia đình chị xuất bán 3 tấn cá, 14-15 tấn lợn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Để tăng thêm thu nhập, quanh bờ ao, chị còn trồng thêm các loại cây ăn quả như ổi, bưởi, mít ta chuẩn bị cho thu hoạch… Đó chỉ là một trong rất nhiều hộ nông dân trong huyện đang vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để phát triển kinh tế.
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Lưu Ngọc Huyền ở đội 4, xóm 1, xã Kim Thái (Vụ Bản) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Thực hiện Đề án số 01/ĐA-HNDT của Ban thường vụ Hội Nông dân (HND) tỉnh về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023”, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Quỹ HTND, những lợi ích mà Quỹ HTND mang lại. Ngay từ đầu năm, HND huyện đã giao chỉ tiêu thi đua cho các xã, thị trấn, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, tập thể, cá nhân xây dựng và tăng trưởng Quỹ. Ban Thường vụ HND huyện đã tham mưu với Thường trực Huyện ủy ban hành Công văn số 595-CV/HU ngày 24-4-2019 về việc “Củng cố, xây dựng và phát triển Quỹ HTND”, trong đó chỉ đạo Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND các xã, thị trấn thành lập, kiện toàn ban vận động Quỹ HTND; trích nguồn ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND đảm bảo hàng năm tăng trưởng 15% trở lên. Cùng với đó, HND huyện còn cung cấp các văn bản liên quan như: Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận 61-KL/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 42/KH-UBND của UBND tỉnh; Đề án số 01-ĐA/HNDT, ngày 19-3-2019 của Ban thường vụ HND tỉnh... tới HND cơ sở để làm căn cứ tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, tạo điều kiện vận động tăng trưởng Quỹ. Đối với những xã chưa có Ban vận động, HND huyện trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương đề nghị quan tâm xây dựng Quỹ HTND theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ; tăng cường kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ. Hàng tháng HND huyện tổ chức giao ban 3 cụm để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và cùng với các xã, thị trấn tìm hướng giải quyết. Kết quả đến nay, 18/18 xã, thị trấn đã thành lập và kiện toàn Ban vận động Quỹ HTND cơ sở. Năm 2019, HND huyện tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện cấp bổ sung vốn cho quỹ HTND huyện từ nguồn ngân sách 200 triệu đồng. HND các xã, thị trấn đã tham mưu với Đảng uỷ, UBND cấp từ nguồn ngân sách 33 triệu đồng, điển hình như các xã Hợp Hưng, Cộng Hòa, Đại An, Thành Lợi và Vĩnh Hào; ngoài ra còn xây dựng kế hoạch vận động và tăng trưởng 173,5 triệu đồng. Các đơn vị làm tốt như: Tân Khánh, Minh Thuận, Liên Bảo, Hiển Khánh… Kết quả trong 6 tháng đầu năm, Quỹ tăng trưởng 149,62 triệu đồng so với cuối năm 2019. Đến nay, tổng nguồn quỹ HTND cấp huyện đạt trên 1 tỷ đồng (huyện Hội 536,272 triệu đồng, cơ sở Hội 508,22 triệu đồng). Nguồn vốn trên đã được thẩm định và giải ngân cho 7 dự án với 32 hộ vay để phát triển sản xuất. Các dự án chủ yếu tập trung vào nuôi trồng thủy sản, gà, lợn, trang trại tổng hợp, qua đó góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cho năng suất và chất lượng cao. Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, các cấp HND trong huyện chú trọng tổ chức tập huấn cách quản lý, sử dụng vốn vay và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh… cho hội viên để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, Quỹ HTND đã trở thành nguồn vốn quan trọng, vừa tiếp sức cho hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu, vừa tạo sự gắn kết giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội. Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu như: Mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa sạch theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại xã Liên Bảo với Công ty TNHH Toản Xuân quy mô 20ha, cho thu nhập mỗi vụ trên 200 triệu đồng; mô hình Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Huy Bình tại xã Đại An… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Để Quỹ HTND tiếp tục hoạt động có nền nếp và hiệu quả, thời gian tới, HND huyện Vụ Bản tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo Điều lệ và những quy định, hướng dẫn của HND cấp trên; chỉ đạo HND các xã, thị trấn tham mưu với UBND trích từ nguồn ngân sách bổ sung cho Quỹ; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia ủng hộ quỹ đảm bảo tăng trưởng từ 15% trở lên; vận động hội viên thực hiện liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, từng bước kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ giúp hội viên nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng