Phòng chống đuối nước trẻ em trong dịp hè

08:07, 28/07/2020

Thời gian gần đây, mặc dù đã có nhiều biện pháp hữu hiệu nhưng tình trạng đuối nước trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục và trong mỗi gia đình cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống.

Các em học sinh xã Nam Phong (thành phố Nam Định) trong một buổi tập bơi tại Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Nam Định.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Các em học sinh xã Nam Phong (thành phố Nam Định) trong một buổi tập bơi tại Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Nam Định. 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2018 toàn tỉnh có 24 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước; năm 2019 có 12 trẻ bị đuối nước. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã để lại nỗi đau cho gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội. Chiều tối ngày 29-6-2019, trên địa bàn xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) xảy ra một vụ đuối nước làm 3 trẻ tử vong, gồm: Trần Khánh D (12 tuổi), Trần Minh Đ (6 tuổi) và Trần Thị Y.N (6 tuổi). Các nạn nhân đều là cháu nội ông Trần Văn T, trú tại thôn Âm Sa, xã Nghĩa Phú về chơi với ông bà nội dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, do bố mẹ đi làm vắng nhà, không có người theo sát khi các cháu ra ao chơi, dẫn đến đuối nước. Đầu tháng 5-2020, một bé trai 11 tuổi tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) cũng mất tích sau khi xuống tắm ở dòng kênh trên địa bàn... Khoảng 16 giờ ngày 3-7-2020, hai anh em Đỗ Quang Minh (13 tuổi) và Đỗ Anh Tú (14 tuổi) cùng trú tại đội 16, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) sau khi đi đá bóng cùng bạn đã xuống dòng kênh thuộc khu vực trạm bơm Sa Thượng ở đội 11, xã Hoàng Nam tắm. Do nước sâu, Tú bị trôi ra giữa dòng kênh, thấy vậy Minh lao ra cứu song không may cả hai đều bị chìm dưới nước. Lực lượng công an xã Hoàng Nam và người dân địa phương đã nhanh chóng ứng cứu, đưa các cháu lên bờ đi cấp cứu. Tuy nhiên, cả hai đã tử vong. Theo người dân địa phương, dòng kênh thuộc khu vực trạm bơm Sa Thượng sâu khoảng 3m, tại đây chưa có biển cảnh báo nguy hiểm.

Tỉnh ta có hệ thống ao, hồ, sông, ngòi dày đặc, nhất là tại các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Nhiều vùng ao, hồ, kênh nước sâu, nguy hiểm nhưng chưa có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm. Bên cạnh đó, tai nạn đuối nước còn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, quản lý. Nạn nhân trong các vụ đuối nước chủ yếu là học sinh, sinh viên chưa được trang bị các kỹ năng bơi lội… Trước thực trạng trên, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Các ban, ngành, đòan thể và địa phương tích cực tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Đối với huyện Nghĩa Hưng, hàng năm UBND huyện đều tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi; phòng chống đuối nước nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kĩ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng chống đuối nước, nhất là đối tượng trẻ em, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước. Nhiều đơn vị đã tổ chức hoạt động dạy bơi như tại Bể bơi Trung tâm huyện mỗi năm tổ chức được 4-5 lớp dạy bơi thu hút trên 200 học viên tham gia, bể bơi xã Nghĩa Phú, bể bơi Trường Tiểu học Nghĩa Phú, THCS Nghĩa Hải, THPT B Nghĩa Hưng… đều tổ chức dạy bơi cho nhiều học viên. Ngoài ra, hàng ngày tại các bể bơi đều có hàng trăm lượt người đến tham gia các hoạt động bơi lội. Tất cả các bể bơi đều đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị; có nhân viên chuyên môn hướng dẫn tập luyện và cứu hộ, đảm bảo cho hoạt động bơi và học bơi được an toàn, hiệu quả. Đối với huyện Hải Hậu, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi. Huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, thị trấn, trường học... Có chế độ ưu tiên, giảm tiền thuê bể bơi cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.  Vừa qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện đã phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh tổ chức chương trình biểu diễn các kỹ thuật và các kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho học sinh; các hoạt động sơ cứu khi có người bị đuối nước; chương trình bơi đồng hành. UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, rà soát cơ sở vật chất, các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp phòng ngừa kịp thời đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2020. Đại diện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh kêu gọi sự chung tay, phát huy vai trò của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đối với công tác phòng chống đuối nước. Mong muốn toàn xã hội tăng cường công tác thông tin, truyền thông về lợi ích của việc tập luyện bơi lội, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức dạy bơi cho trẻ em và cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động, diễn đàn về bơi lội để vận động, thu hút toàn dân tham gia; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động bơi lội, trong đó có đầu tư bằng hình thức vận động, xã hội hóa. Đồng thời, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn tại các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước... Để nâng cao các biện pháp phòng chống đuối nước, các địa phương có công trình xây dựng, kênh mương thủy lợi đang thi công, lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan chủ quản tổ chức kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công tuân thủ quy định về cắm biển cảnh báo, rào chắn... không để trẻ em xuống tắm, chơi đùa trong khu vực đang thi công. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh. Các địa phương, nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mở các lớp dạy bơi cho học sinh. Các lớp bơi phòng, chống đuối nước đều có đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên đạt chuẩn giúp các em tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc. Thông qua các lớp học bơi, các em được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước cũng như kỹ năng sống.

Hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 30 bể bơi cố định trang bị hệ thống xử lý nước đạt chuẩn thi đấu và luyện tập; 50 bể bơi di động có diện tích 300-500m2. Tuy nhiên, số lượng học sinh được dạy bơi còn ít so với nhu cầu thực tế, nhiều địa phương hiện thiếu bể bơi đảm bảo chất lượng và lực lượng huấn luyện viên dạy bơi. Để nâng cao số lượng, chất lượng dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh, các ngành, địa phương trong tỉnh cần phối hợp thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế chính sách, khuyến khích xã hội hóa để xây dựng thêm nhiều bể bơi, tổ chức dạy bơi cho học sinh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương cần tạo thêm sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ. Các gia đình cần quan tâm quản lý, giám sát con em mình; phối hợp trang bị cho con kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường nước; loại bỏ những yếu tố nguy cơ như: làm hàng rào quanh ao, hố nước; đậy giếng, bể nước bằng nắp đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com