Du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Từ tháng 2-2020 hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải đóng cửa, người lao động làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ hoặc thôi việc. Đến nay, tình trạng này vẫn “đeo bám”, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.
Quý 3-2020, các hoạt động du lịch dự kiến trở lại bình thường với các lễ hội, sự kiện dịp cuối năm. (Trong ảnh: Lễ hội Chùa Thần Quang - Hành Thiện luôn thu hút đông đảo du khách). |
Anh Trần Duyên Chung, quản lý chuỗi khách sạn tiêu chuẩn 3 sao LakeSide ở thành phố Nam Định cho biết: “Dù có nhiều năm hoạt động trong ngành Du lịch nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn nói riêng gặp khó khăn đến vậy. Thông thường, thời điểm sau Tết Nguyên đán là mùa cao điểm của du lịch Nam Định, chúng tôi hầu như không có thời gian để nghỉ. Năm nay thì ngược lại, do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp lao đao vì ế ẩm, không có khách, buộc phải cắt giảm lao động, nhất là lao động thời vụ. Kể cả thời điểm này, khi ngành Du lịch đã hoạt động trở lại nhưng hầu như các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn trong tình trạng trầm lắng, lượng khách sụt giảm từ 70-80% so với cùng kỳ, chủ yếu là khách lẻ. Đặc biệt, Chính phủ cũng chưa cho phép mở cửa đối với khách du lịch người nước ngoài. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà người lao động cũng hết sức khó khăn. Bởi mỗi năm, như khách sạn tôi quản lý đón lượng khách nước ngoài chiếm tới hơn 40% tổng lượng khách. Từ tháng 4 đến nay, doanh nghiệp phải chấm dứt một số hợp đồng lao động thời vụ; cắt giảm 50% tiền lương nhưng cũng tạo điều kiện duy trì đầy đủ chế độ thưởng dịp lễ, tết, các khoản phụ cấp cho người lao động”. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, cơ sở lưu trú trong tỉnh đã buộc phải cho lao động một số bộ phận không cấp thiết nghỉ việc tạm thời và hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động. Những khó khăn trong thời điểm hiện tại không chỉ là câu chuyện riêng các chủ doanh nghiệp du lịch, lữ hành mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những người lao động trong ngành Du lịch. Anh Trần Ngọc Thủy, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: Do đặc thù, doanh thu nghề hướng dẫn viên chủ yếu có được từ công tác phí ngày tour và tiền tip của khách. Khoảng thời gian này năm trước, bước vào mùa du lịch hè, công việc của tôi khá bận rộn, làm việc cả ngày lẫn đêm vẫn không hết tour, thu nhập ổn định. Sau dịch COVID-19, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, kể cả hướng dẫn viên thuộc công ty du lịch, hội viên Hiệp hội Du lịch hay hướng dẫn viên tự do. Mặc dù mùa du lịch đã bắt đầu hơn 2 tháng nhưng lượng khách theo tour du lịch giảm mạnh so với hàng năm, lượng khách du lịch quốc tế gần như bằng không. Thị trường nội địa đã bắt đầu hồi phục dần nhưng vẫn rất ít người lựa chọn tour trọn gói, đi đoàn đông mà chủ yếu đi lẻ, theo nhóm nhỏ, tự đặt phòng khách sạn, tự lái xe và không có nhu cầu sử dụng hướng dẫn viên hay thông qua công ty lữ hành. Hầu hết hướng dẫn viên vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp tạm thời, dự đoán đến quý 3-2020 các hoạt động du lịch, lữ hành mới trở lại bình thường thông qua các sự kiện, lễ hội, các dịp nghỉ lễ cuối năm.
Nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay rất ít nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên, người lao động trực tiếp bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, việc không có khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch tạm đóng cửa, khách sạn cũng tạm ngừng hoạt động ở rất nhiều nơi thấy rất rõ. Lý giải vấn đề, các chủ doanh nghiệp hoạt động du lịch, lữ hành, kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong tỉnh cùng chung nhận định những quy định về thời gian để hưởng hỗ trợ đã khiến ngành Du lịch chịu thiệt thòi. Thực tế, khi dịch COVID-19 xảy ra, cũng là lúc du lịch bị ảnh hưởng, các ngành nghề du lịch, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch bị tác động nặng nề từ tháng 2. Nhiều người lao động trong ngành du lịch, lữ hành bị mất việc trước đó hơn 3 tháng (tháng 2, 3, 4). Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì mới được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Đồng chí Nguyễn Thành Phương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thời gian qua, trên tinh thần chủ động phối hợp với các ngành chức năng để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ nhưng vướng mắc của ngành Du lịch là việc triển khai thực hiện đến đúng đối tượng, đúng thời điểm. Bởi theo quy định, gói hỗ trợ trên bao gồm người lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính... Nhưng đặc thù của ngành Du lịch là sử dụng nhiều lao động hợp đồng thời vụ, hơn nữa một số người không tự nguyện đóng bảo hiểm khi hợp đồng làm việc. Do vậy, khi triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều khó khăn khi tiếp cận để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động. Vì thế theo chúng tôi để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tay người lao động trong lĩnh vực du lịch cần phải có hướng dẫn cụ thể, có tính đến đặc thù ngành nghề để việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và đúng đối tượng cần hỗ trợ. Các doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích duy trì kinh doanh để bảo đảm việc làm đời sống cho người lao động trong lĩnh vực du lịch./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh