Hội Nông dân Trực Ninh nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua yêu nước

07:07, 15/07/2020

Năm 2012, gia đình anh Trịnh Văn Diện, xã Trực Chính (Trực Ninh) thuê 20 mẫu ruộng, triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn trồng khoai tây. Bên cạnh những kiến thức sẵn có của bản thân, thông qua các buổi tập huấn của Hội Nông dân (HND), anh được trang bị những kiến thức về quy trình, kỹ thuật chuẩn bị giống, xử lý giống, làm đất, phân luống, chăm sóc, bảo vệ. Từ diện tích ít, sản xuất nhỏ lẻ, anh mạnh dạn mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư mua máy móc và tìm tòi, chế tạo máy thu hoạch khoai tây, góp phần giảm thiểu sức lao động, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Hiện tại gia đình anh có 5 máy làm đất cỡ lớn, 1 máy phay đất, 1 máy gieo hạt, 3 máy thu hoạch lúa màu các loại vừa phục vụ sản xuất cho trang trại của gia đình vừa nhận làm các dịch vụ cho bà con xã viên; thu nhập bình quân hàng năm đạt 450-500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho từ 15 đến 20 lao động. Anh còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội và địa phương, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ Quỹ khuyến học, Quỹ “Mái ấm nông dân” 10 triệu đồng mỗi năm. 

Tham quan mô hình nuôi ếch của hội viên nông dân xã Trực Thắng (Trực Ninh).  Bài và ảnh: Lam Hồng
Tham quan mô hình nuôi ếch của hội viên nông dân xã Trực Thắng (Trực Ninh). 

Còn đối với anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1992 trở về quê hương bắt đầu phát triển kinh tế gia đình. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND và HND xã, anh đã thuê gần 4.000m2 đất xây dựng trang trại VAC theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi với 3 sào ao nuôi cá, gần 600m2 chuồng trại chăn nuôi lợn và vườn trồng hoa phong lan, hoa hồng, cây ăn quả, cây dược liệu. Đặc biệt, trong chăn nuôi lợn, anh đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn, giúp lợn tăng sức đề kháng, chất lượng thịt thơm ngon vượt trội. Mô hình nuôi lợn của anh đã được tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP. Với quy mô đàn 500 con, bình quân mỗi năm trang trại xuất bán 70-80 tấn thịt lợn thương phẩm. Anh còn cùng với những hộ chăn nuôi lợn có cùng sở thích thành lập Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, trên cơ sở đó xây dựng Hợp tác xã chăn nuôi đa dạng sinh học với 13 thành viên, thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Tháng 8 năm 2019, anh xây dựng cửa hàng nông sản sạch Trực Thái, giới thiệu sản phẩm nông sản sạch VietGap và OCOP, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại cửa hàng và 4 lao động thời vụ. Thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình anh đạt 1,4 tỷ đồng/năm. 

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trong 5 năm qua, các cấp HND huyện Trực Ninh đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. HND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các văn bản về thi đua, khen thưởng trong toàn huyện, cụ thể hóa vào công tác Hội và phong trào nông dân nhằm khuyến khích, phát huy nội lực, ý thức trách nhiệm, vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên. Các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Việc phát động và đăng ký giao ước thi đua hàng năm giữa huyện với cơ sở, cơ sở với chi hội được duy trì nền nếp. Công tác thi đua, khen thưởng được đổi mới theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân. Các cấp HND trong huyện đã tổ chức thực hiện có hiệu quả ba phong trào thi đua trọng tâm của Hội là “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang mang lại nhiều đổi mới trong đời sống, kinh tế - xã hội nông thôn; được HND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan toả trong nhiều lĩnh vực. Để phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp HND trong huyện đã gắn việc tổ chức phong trào thi đua với các hoạt động hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên. 5 năm qua đã có trên 400 lượt hộ hội viên được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp với số tiền gần 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất. HND huyện còn phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh dạy một số ngành nghề như­ nghề trồng cây cảnh ở các xã Trực Thắng, Trực Đại; nghề mộc ở thị trấn Cổ Lễ và các xã Trung Đông, Việt Hùng; nghề đan giỏ hoa ở xã Trực Tuấn; nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thị trấn Cát Thành và các xã Trực Hưng,

Trực Cường, Trực Thanh, Trực Thuận, Trực Chính; nghề may tại các xã Liêm Hải, Việt Hùng... Từ năm 2015 đến nay, HND các cấp trong huyện đã phối hợp tổ chức 34 lớp dạy nghề cho 1.190 lao động nông thôn, 80% lao động sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định. Qua đó đã khích lệ, động viên hội viên hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên địa bàn huyện và tỉnh, nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, 4 sao. Từ phong trào thi đua, đã có hàng nghìn cán bộ, hội viên trở thành gương điển hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng, nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến gần 3 tỷ đồng. Tiêu biểu là các ông: Trần Văn Hài, xã Trực Hùng sản xuất sợi PE; Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ sản xuất đồ gỗ truyền thống; Lâm Văn Lưu, xã Trực Hùng trồng rau thủy canh kết hợp hữu cơ; Phạm Văn Oánh, xã Trực Thanh làm tăm nhang xuất khẩu; Lưu Văn Uyển, xã Trực Thắng trồng cây cảnh; Nguyễn Văn Sỹ, xã Trực Thuận chăn nuôi trang trại; Đồng Ngọc Hà, xã Trực Khang chăn nuôi gà; Đinh Văn Xông, xã Liêm Hải nuôi ba ba; Ngô Văn Ánh, xã Trực Cường nuôi cá lồng bè trên sông Ninh Cơ; Trần Văn Đức, xã Trực Tuấn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Trần Văn Hà, xã Trực Đại sản xuất miến, phở sạch… Với những kết quả và thành tích đạt được, 5 năm qua, cán bộ, hội viên HND huyện Trực Ninh đã được Trung ương HND Việt Nam tặng 12 bằng khen; UBND tỉnh tặng 1 cờ đơn vị thi xuất sắc, 1 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và 3 bằng khen...

Thời gian tới, các cấp HND huyện Trực Ninh tiếp tục phát động các phong trào thi đua nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; tập trung phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm thi đua khen thưởng thực sự là động lực to lớn, là biện pháp quan trọng xây dựng hình mẫu người nông dân mới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com