Thường trực HĐND tỉnh vừa hoàn thành chương trình giám sát, đánh giá tình hình hoạt động, việc thực hiện pháp luật của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm học 2016-2017 đến năm học 2018-2019. Qua đó, xác định những mặt được, chưa được, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh giám sát kết quả giảng dạy, học tập ở Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định). |
Hiện nay, toàn tỉnh có 504 cơ sở giáo dục phổ thông công lập gồm các trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) với 8.918 lớp học, 308.782 học sinh. Qua giám sát cho thấy hiện nay quy mô trường học, số lớp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của con em trên địa bàn. Cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được thực hiện đảm bảo đúng quy định theo Thông tư số 41 và Thông tư số 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT). Các nhà trường đều có hội đồng trường, chi bộ Đảng, các tổ chuyên môn, tổ văn phòng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên…, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Về đội ngũ cán bộ, trong 3 năm học vừa qua, Sở GD và ĐT, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường quản lý, quan tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong các nhà trường đủ về số lượng, nâng lên về chất lượng nhằm đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo theo bậc học. Tính đến hết năm học 2018-2019, tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập toàn tỉnh gồm có 18.744 người, trong đó cán bộ quản lý 1.304 người, giáo viên 15.552 người, nhân viên 1.329 người và 559 lao động hợp đồng. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo đúng chuyên ngành, đảm bảo chuẩn nghề nghiệp theo quy định của cấp học, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, trên 80% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo khung 6 bậc châu Âu ở từng cấp học. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục gương mẫu, có năng lực trong công tác quản lý, được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ quản lý, trình độ lý luận chính trị. Việc luân chuyển, điều động, biệt phái đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên góp phần khắc phục sự chênh lệch về số lượng, chất lượng giáo viên giữa các nhà trường đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên phát huy những mặt mạnh của bản thân, đảm bảo sự phát triển đồng đều cho các cơ sở giáo dục. Hoạt động xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục được các địa phương đơn vị rất chú trọng. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có gần 50% số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; có gần 80% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia tương đối đồng đều trên địa bàn các huyện; riêng thành phố Nam Định có tỷ lệ đạt thấp hơn, mới chiếm gần 60%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục đã được quan tâm đầu tư, mua sắm qua các năm học, từng bước đáp ứng yêu cầu như đầu tư phòng học ngoại ngữ, phòng tin học, phòng học bộ môn, bàn ghế 2 chỗ ngồi. Nhiều cơ sở giáo dục còn đầu tư đồng bộ trang thiết bị phòng học thông minh, lắp đặt hệ thống camera, mạng internet, bảng chống lóa, đèn chống cận… Cùng với kinh phí ngân sách Nhà nước cấp hàng năm, các nhà trường còn thực hiện trích lập nguồn cải cách tiền lương từ tiền thu học phí, quản lý và sử dụng đúng quy định. Các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã triển khai thu học phí và thỏa thuận với phụ huynh học sinh để thu các khoản ngoài học phí không vượt quá mức quy định của UBND tỉnh nhằm tăng cường cơ sở vật chất, bán trú đối với cấp tiểu học; bảo vệ, vệ sinh, dạy thêm, học thêm, nước uống, trông giữ xe đối với cấp THCS và THPT. Theo báo cáo của Sở GD và ĐT, UBND các huyện, thành phố, trong 3 năm học gần đây, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã huy động được 118.798 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các nhà trường được quan tâm thực hiện, nhiều học sinh của tỉnh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, có học sinh tham gia và đạt thành tích cao kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Như vậy, trong 3 năm học vừa qua, công tác quản lý Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được thường xuyên và kịp thời. Tuy nhiên, thông qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa theo yêu cầu phân bổ dân cư; nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Nam Định gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất cho giáo dục do đó chưa đảm bảo diện tích đất theo quy định; đây là một trong số nguyên nhân chính dẫn tới việc một số trường không được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông chưa quyết liệt, hiệu quả đạt được chưa cao, còn có sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục, uy tín giữa các trường, dẫn đến tình trạng một số trường tốp dưới nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, trong khi một số trường tốp trên luôn chịu áp lực về số lượng học sinh. Công tác chỉ đạo thực hiện các tiêu chí đối với trường chất lượng cao tại thành phố Nam Định theo Quyết định số 246 của UBND tỉnh, gồm các trường: Tiểu học Phạm Hồng Thái, Trần Quốc Toản và THCS Trần Đăng Ninh chưa đồng bộ, dẫn tới thực tế hiện nay những đơn vị này chưa đạt chuẩn về phòng thư viện, phòng học ngoại ngữ, diện tích. Sĩ số học sinh mỗi lớp ở đây khá cao, cá biệt có lớp lên đến 55 học sinh, vượt so với quy định của Điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp và vượt so với tiêu chí trường chất lượng cao là 30 học sinh/lớp. Công tác chỉ đạo triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn thành phố Nam Định chưa đúng theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT như chưa có quy định cụ thể việc tuyển sinh trái tuyến vào các trường: Tiểu học Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, THCS Phùng Chí Kiên; dẫn tới kết quả tuyển sinh không sát với kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa thực sự đồng đều ở các nhà trường, chưa rút ngắn được khoảng cách chênh lệch về chất lượng giữa các nhà trường, đây là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực tuyển sinh đầu cấp. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới phương pháp dạy học ở một số giáo viên còn hình thức, chưa tạo thành việc làm thường xuyên liên tục. Việc dạy thêm, học thêm ở một số trường chưa đảm bảo đúng quy định như tăng số tiết mỗi buổi, số buổi mỗi tuần, tạo áp lực và mệt mỏi cho học sinh. Cá biệt, có trường cho giáo viên mượn phòng học, cơ sở vật chất trong nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài giờ chính khóa; đồng thời vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đối với học sinh cấp tiểu học. Một số giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tại các trường phổ thông công lập nhưng chưa có giấy phép lao động. Nhiều giáo viên nước ngoài không phải là “người bản xứ” như yêu cầu của “Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020”. Một số giáo viên chưa đáp ứng đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn quy định tại Thông tư 21 ngày 24-8-2018 của Bộ GD và ĐT. Việc triển khai sổ liên lạc điện tử chưa ứng dụng, vận hành hết các tính năng, tiện ích của sổ liên lạc điện tử, không có sự tương tác, thông tin trở lại từ phụ huynh tới nhà trường, vì vậy một số trường duy trì đồng thời hai hình thức sổ liên lạc vừa áp dụng sổ liên lạc điện tử và áp dụng sổ liên lạc bằng giấy theo phương pháp truyền thống.
Thông qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh, ngành GD và ĐT và các địa phương cần sớm có những giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để lĩnh vực GD và ĐT luôn là điểm sáng của cả nước./.
Bài và ảnh: Xuân Thu