Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đợt 1 năm 2020 được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trọng tâm là địa bàn có mức sinh cao, chưa ổn định, vùng đông đồng bào Công giáo và vùng ven biển. Qua chiến dịch đã huy động toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội vào cuộc, góp phần thực hiện các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và duy trì mức giảm sinh.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc tư vấn về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. |
Chiến dịch được triển khai đồng loạt tại 187 xã ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh từ tháng 1-2020. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số trong tình hình mới, từ đó chuyển đổi hành vi, thực hiện KHHGĐ. Tranh thủ, tạo sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng đối với công tác dân số - KHHGĐ. Vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh. Huy động các đội dịch vụ lưu động tuyến tỉnh, tuyến huyện hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại các địa bàn khó khăn; đảm bảo thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai miễn phí cung cấp cho đối tượng trong diện (người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) đầy đủ và kịp thời. Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Y tế đã có công văn hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn cho các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai Chiến dịch cho phù hợp với tình hình của địa phương. Chi cục Dân số - KHHGĐ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ các địa phương triển khai chiến dịch từ khâu tổ chức, công tác tuyên truyền, việc triển khai làm dịch vụ kỹ thuật. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và sẵn sàng cử cán bộ đến hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch. Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt nhằm nâng cao nhận thức từ đó chuyển đổi hành vi, thực hiện KHHGĐ của toàn xã hội, nên hoạt động truyền thông, vận động được đẩy mạnh tổ chức từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn. Toàn tỉnh đã tổ chức phát trên hệ thống đài truyền thanh, phát thanh của huyện, xã là 1.257 lượt; treo 150 khẩu hiệu, pa nô, áp phích mới và cấp phát 16.370 tờ gấp các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội nên thời gian đầu, việc tổ chức tuyên truyền trực tiếp không triển khai được, toàn tỉnh chỉ tổ chức 22 buổi nói chuyện về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, thu hút 1.250 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch đã khảo sát, tổ chức cho đối tượng đăng ký nhu cầu thực hiện dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ; xây dựng kế hoạch và thông báo trước thời gian, địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ đến các thôn, xóm. Việc cung ứng và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ được ngành Y tế chuẩn bị chu đáo, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đảm bảo đầy đủ kịp thời phương tiện tránh thai miễn phí cho người dân ở các xã và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội tại các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và cung cấp thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao, chi phí kỹ thuật thực hiện dịch vụ KHHGĐ cho đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai, đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo đúng chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố huy động cán bộ Khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ và trạm y tế các xã, phường, thị trấn phối hợp thực hiện chiến dịch đảm bảo không để người dân đến thực hiện mà không đáp ứng được nhu cầu tại chỗ trong điều kiện cho phép. Đặc biệt, ngoài kinh phí hỗ trợ từ chương trình mục tiêu y tế - dân số, nhiều địa phương đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí thực hiện chiến dịch, với tổng số tiền gần 96 triệu đồng; tiêu biểu là các huyện: Hải Hậu hỗ trợ 37 triệu đồng; Trực Ninh 21,8 triệu đồng; Nghĩa Hưng 20 triệu đồng; thành phố Nam Định 17,8 triệu đồng.
Bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, tổ chức giám sát, thống kê báo cáo tiến độ, chiến dịch đã cơ bản đạt được mục tiêu chung và các chỉ tiêu cụ thể. Chiến dịch đã được tổ chức có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở mọi cấp, đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Đội ngũ cán bộ dân số cơ sở nhiệt tình bám sát đối tượng; vận động, rà soát, đôn đốc từng đối tượng của đơn vị thôn, xóm, tổ dân phố; tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng làm dịch vụ và phát huy được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Kết quả, toàn chiến dịch, có 48.648 lượt phụ nữ được khám; số phụ nữ được phát hiện mắc bệnh về đường sinh sản là 21.099 người và số lượt phụ nữ được điều trị là 19.295 người; nhiều người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại: 2.267 ca đặt vòng tránh thai, 10.034 người uống thuốc tránh thai, 12.572 sử dụng bao cao su, 701 ca tiêm, cấy thuốc tránh thai… Chiến dịch cũng đã chú trọng tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giúp họ biết cách tự chăm sóc sức khỏe và lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, chuyển đổi hành vi, chấp nhận thực hiện KHHGĐ./.
Bài và ảnh: Minh Tân