Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là vai trò của các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở luôn đoàn kết, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển toàn diện, bền vững. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao; thương mại, dịch vụ phát triển khá; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch.
Thành công từ sự đồng thuận
Những năm đầu triển khai xây dựng NTM, huyện Nghĩa Hưng gặp nhiều khó khăn bởi một trong các trọng điểm kinh tế là nông nghiệp nhưng địa hình thấp, vị trí ven biển chịu tác động trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế cao; dịch vụ kinh tế biển chưa khai thác hết tiềm năng… Xác định nguyên nhân những khó khăn, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 17-NQ/HU ngày 20-4-2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện có năng lực vững vàng; xác định rõ lộ trình, bước đi cụ thể; lựa chọn và triển khai thực hiện các tiêu chí NTM phù hợp với tình hình của từng địa phương... Tổ chức đồng bộ, sôi nổi các phong trào thi đua xây dựng NTM ở các cấp, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân. Đến nay, trong quá trình xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động được 3.576,955 tỷ đồng, đầu tư kết nối hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh; trong đó số tiền nhân dân và con em xa quê đóng góp chiếm 11,67% và trên 252ha đất để làm các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi. Trong 5 năm qua, huyện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 8 tuyến đường trục huyện với tổng chiều dài 37,9km; đường trục xã với chiều dài 55,25km; 72km đường thôn xóm; 300km đường trục nội đồng; kiên cố hóa 24,6km và các công trình hạ tầng kinh tế biển. Đầu tư xây dựng 34 trường học các cấp với mức đầu tư 156,5 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới nhà văn hoá các xã, thị trấn và 283 nhà văn hoá thôn, xóm…
Một góc NTM xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng). |
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả theo hướng gia tăng sản xuất hàng hóa, sản xuất sản phẩm sạch, tập trung theo vùng quy hoạch, gắn với ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Hàng năm, toàn huyện phát triển cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 2.000ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao (mỗi ha tăng thêm lợi nhuận 8,5-10 triệu đồng so với sản xuất lúa đại trà). Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu như các mô hình: liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với Công ty TNHH Toản Xuân; liên kết sản xuất, chế biến các cây dược liệu với Công ty cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú; liên kết sản xuất, chế biến cây đinh lăng theo GACP-WHO với Công ty cổ phần Traphaco; liên kết với Công ty Ớt Việt Nam trồng cây ngải cứu... Huyện đã chỉ đạo thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 1,54%/năm; giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 1,97%/năm, chiếm 54,89% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Toàn huyện có 39 trang trại, 252 gia trại; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt 22.500 tấn, tăng 3.400 tấn so với năm 2015. Tổng diện tích nuôi thuỷ sản 2.450ha, sản lượng đạt bình quân 38.150 tấn/năm. Đến năm 2020, toàn huyện có 485 phương tiện khai thác thủy sản, tăng 43 tàu so với năm 2015; trong đó có 180 tàu công suất từ 300CV trở lên. Sản lượng khai thác đạt bình quân 18.580 tấn/năm…
Các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ở huyện Nghĩa Hưng nhiệm kỳ qua đều tăng trưởng khá; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21,13%/năm. Đến nay, toàn huyện có 433 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (năm 2015 có 208 doanh nghiệp); tổng nguồn vốn 7.907 tỷ đồng, doanh thu đạt 6.634 tỷ đồng; thu hút trên 15 nghìn lao động với thu nhập bình quân đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Những năm qua huyện đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề như hỗ trợ chuyển giao công nghệ và xúc tiến đầu tư, đào tạo nghề lao động nông thôn. Huyện có 3 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển toàn diện; mô hình trung tâm thương mại, siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ hàng hoá... phát triển nhanh, hình thành mạng lưới thương mại rộng khắp, bao phủ đến tất cả thôn xóm, tổ dân phố đã góp phần thúc đẩy, giao lưu hàng hoá phát triển sản xuất. Hoạt động vận tải phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng lên, toàn huyện có 157 đầu xe khách tuyến cố định, hơn 250 xe khách dịch vụ, số lượng khách luân chuyển đạt hơn 2 triệu lượt người/năm đã đáp ứng nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, năm 2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và là huyện thứ 2 của tỉnh, huyện thứ 38 của toàn quốc đạt chuẩn huyện NTM. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn dưới 1,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Xây dựng huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, UBND huyện đã ban hành kế hoạch 127/KH-UBND ngày 24-4-2019 về “Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng năm 2019, định hướng năm 2020”. Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 21-5-2020 về việc ban hành Bộ tiêu chí xây dựng gia đình, xóm (TDP) NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” để phát triển bền vững huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2020-2025. Hiện nay, UBND huyện đã hoàn thành 2 đề án trình HĐND huyện thông qua gồm: đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; bảo vệ cảnh quan môi trường khu dân cư; các tuyến đường, dòng sông trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2022”; đề án “Hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2022”. Các xã, thị trấn trong huyện tiếp tục triển khai các mô hình nhà sạch, khuôn viên vườn kiểu mẫu; các tuyến đường kiểu mẫu trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng qua khu dân cư... Năm 2020, xã Nghĩa Minh đăng ký xây dựng xã NTM kiểu mẫu; 9 xã, thị trấn đăng ký xây dựng NTM nâng cao gồm thị trấn Quỹ Nhất và các xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thái, Nghĩa Trung, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình. Huyện chọn xây dựng xóm NTM kiểu mẫu làm điểm năm 2020 ở thôn Thành An, xã Nghĩa Phong và phố Thống Nhất, xã Nghĩa Trung với tiêu chí: “sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh”; gia cố mặt đê bê tông, chỉnh trang mái đê tả Đào từ K27+370 - K28+800 để xây dựng mô hình “tuyến đê kiểu mẫu”.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trên cơ sở các tiêu chí được phân công phụ trách, các ngành có kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đạt các tiêu chí theo lộ trình, kế hoạch đề ra; gắn trách nhiệm hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu vào công tác thi đua hàng năm. Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của các HTX, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo phương châm “Dân làm Nhà nước hỗ trợ”. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, trong đó chú trọng việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Tập trung chỉ đạo kiên trì, thực hiện hoàn thành từng nhiệm vụ, tiêu chí theo phương châm: “dễ làm trước, khó làm sau”; phấn đấu đến năm 2025 huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 30% số xã, thị trấn đạt NTM kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Viết Dư