Công an xã và những hy sinh thầm lặng

08:07, 29/07/2020

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua từng chặng đường đấu tranh cách mạng, lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Bên cạnh sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CAND Việt Nam còn nhận được sự đồng tình, chung sức hiệp đồng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Trong suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên toàn tỉnh luôn giữ vững lập trường, quan điểm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền cơ sở. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, phương tiện thiếu thốn, kinh phí hoạt động hạn chế, song các đồng chí luôn phát huy phẩm chất cách mạng, tinh thần trách nhiệm sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 

Công an xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.  Ảnh: Xuân Thu
Công an xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Xuân Thu

Ngày 22-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời ban hành Sắc lệnh số: 63/SL về: “Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân”; Điều 76 của Sắc lệnh quy định: “Công việc trị an ở cấp xã do một ủy viên trong Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính xã phụ trách”. Điều này khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của việc bảo đảm trật tự trị an ở cơ sở đồng thời cũng là căn cứ pháp lý cho việc xây dựng lực lượng Công an xã bán chuyên trách sau này.

 Ngày 10-10-1950, Nghị định số 438-NV về “Tổ chức Ban công an xã” được ban hành, Nghị định nêu rõ: “Thành lập tại mỗi xã trong toàn quốc một Ban Công an gọi là Ban Công an xã”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định cụ thể, toàn diện, đầy đủ về tên gọi, tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách cho Công an xã trong phạm vi cả nước. Từ đó, ngày 10-10 hàng năm được chọn là ngày truyền thống lực lượng Công an xã bán chuyên trách.

Pháp lệnh Công an xã chính thức có hiệu lực ngày 1-7-2009 là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý mới, bảo đảm xây dựng tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an xã, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng lực lượng, giám sát hoạt động và phối hợp với Công an xã trong đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.

Tại Nam Định với khoảng trên 5.000 đồng chí Công an xã bán chuyên trách được bố trí, phân công thực hiện nhiệm vụ: Trưởng Công an, Phó trưởng Công an, Công an viên thường trực và Công an viên thôn (xóm). Những đóng góp của lực lượng Công an xã bán chuyên trách trong suốt những năm qua đã khẳng định: lực lượng Công an xã trên địa bàn luôn bám sát cơ sở, thầm lặng hy sinh, góp sức mình cùng với lực lượng công an chính quy giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. 

Gần dân, sát dân, nắm chắc đặc điểm, vị trí địa lý, tình hình dân cư, trong những năm qua Công an các xã, thị trấn đã tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết tốt những vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện ngay từ cơ sở không để xảy ra đột xuất, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt đã chủ động nắm chắc tình hình và kịp thời tham mưu, báo cáo cấp trên có biện pháp giải quyết ổn định đối với các điểm mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp kéo dài như: Hồng Thuận (Giao Thủy), Yên Thắng (Ý Yên), Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Bên cạnh đó phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, giải quyết những vấn đề nổi lên như việc hiến, tặng, xin lại cơ sở vật chất đất đai, xây dựng công trình tôn giáo... đảm bảo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời thường xuyên tổ chức giao lưu, gặp gỡ, vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Từ tình hình thực tế địa phương, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, lực lượng Công an xã đã chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn xã thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp phát động phong trào phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực như vùng đồng bào theo các tôn giáo, vùng địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hay lĩnh vực xây dựng nông thôn mới… Với sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công an xã mà 37 mô hình phong trào đang được duy trì, lan tỏa và phát huy tác dụng tại 1.847 đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh. Cũng từ đây, đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong xây dựng các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng; xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường; xã Hải Đông, huyện Hải Hậu hay xã Yên Lương, huyện Ý Yên...

Dù không phải là lực lượng chính quy nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất cứ giai đoạn nào, lực lượng công an xã bán chuyên trách cũng thể hiện được vai trò quan trọng của mình. Không phải ai cũng thấu hiểu hết được sự vất vả của những ngày làm việc thâu đêm, những bữa trưa vội vàng, không có ngày nghỉ, không thứ 7, chủ nhật, chẳng cần biết là ngày hay đêm, mưa hay nắng, chỉ cần nhận lệnh là lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Thông qua công tác nắm tình hình, từ năm 2009 đến nay, lực lượng Công an xã đã thu thập 5.075 tin, trong đó số tin có giá trị chiếm 76,4%, giúp giải quyết 3.690 vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn xã, thị trấn như bạo lực học đường, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, ma túy, trộm cắp, cố ý gây thương tích… ngăn chặn, thu hồi nhiều tài liệu có nội dung xấu, tiêu biểu như Công an xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy đã thu hồi 100 quyển kỷ yếu xuyên tạc lịch sử giáo xứ Thức Hóa, Công an xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực thu giữ 1.050 tài liệu truyền đạo trái phép...

Cuộc sống của người chiến sĩ công an cơ sở còn biết bao khó khăn phải đối mặt, thời gian và những mối nguy hiểm ngày một dày lên không chỉ với riêng lực lượng công an chính quy mà với cả lực lượng công an xã bán chuyên trách. Trong quá trình đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, Nam Định đã có 5 đồng chí công an xã hy sinh, 23 đồng chí công an xã bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Tiêu biểu là đồng chí Hoàng Văn Đông, Công an viên thường trực xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh và đồng chí Nguyễn Văn Tý, Công an viên thường trực xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu. Ngoài ra còn rất nhiều những tấm gương khác như: Đồng chí Hoàng Bá Lực, nguyên Trưởng Công an xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định trong quá trình truy bắt đối tượng nhiễm HIV tàng trữ trái phép ma túy đã bị đối tượng tấn công phải điều trị phơi nhiễm; đồng chí Nguyễn Thế Anh - nguyên Trưởng công an xã Giao Xuân trong khi truy bắt đối tượng côn đồ đã bị chém trọng thương... Giữa thời bình máu của người chiến sĩ Công an đã đổ xuống vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, nhưng họ vẫn luôn phát huy phẩm chất cách mạng, tinh thần trách nhiệm và năng lực công tác, vượt qua khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng Công an xã tỉnh Nam Định luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố về mọi mặt, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ. Chế độ chính sách của lực lượng Công an xã ngày càng được quan tâm hơn, 100% Công an xã được tham gia bảo hiểm y tế, 80% công an viên thường trực được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 221 đồng chí Công an xã công tác từ 15 năm liên tục trở lên nghỉ việc vì lý do chính đáng được UBND tỉnh chi trả trợ cấp một lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Năm 2017 Bộ Công an đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho thân nhân 2 liệt sĩ Công an xã với tổng số tiền 140 triệu đồng. Công an tỉnh đã trích “Quỹ tình nghĩa” thăm, viếng 5 đồng chí Công an xã hy sinh khi làm nhiệm vụ với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.

Cũng từ năm 2009 đến nay lực lượng Công an xã đã có 1 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 5 tập thể, 6 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 10 tập thể, 12 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen, trên 800 lượt tập thể Công an xã được công nhận danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 450 tập thể, 580 cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện tặng giấy khen. Nhiều tập thể Công an xã trên 5 lần được công nhận danh hiệu Quyết thắng tiêu biểu như: Công an xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu; Công an xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng; Công an xã Yên Lương, huyện Ý Yên...

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Luật Công an nhân dân (sửa đổi năm 2018); Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 6-8-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy CAND; Đề án của Bộ Công an, Quyết nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đề án số 07, ngày 10-9-2019 của UBND tỉnh về việc điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn. Quá trình triển khai thực hiện, lực lượng công an nhận được sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của nhân dân và đặc biệt là sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ Công an xã bán chuyên trách, nhiều đồng chí tình nguyện nghỉ chế độ trước thời hạn hoặc chuyển lĩnh vực công tác khác. Đến tháng 10-2019 tỉnh Nam Định là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước sớm hoàn thành việc bố trí công an chính quy tại 204/204 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau hơn một năm thực hiện, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an được đánh giá là xu thế tất yếu, đã làm thay đổi căn bản diện mạo, cơ cấu tổ chức bộ máy, bước đầu cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn lực lượng CAND. Cách bố trí tổ chức bộ máy mới đã tạo nên nền tảng rộng lớn, bám cơ sở và bám dân để làm tốt công tác nắm tình hình, xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở. Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lại không có những mối quan hệ thân tình, họ hàng, làng xóm, trách nhiệm của người đứng đầu công an xã được đề cao hơn, những vấn đề nổi lên, vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự được chỉ đạo sát sao, quyết liệt và có chuyển biến tích cực hơn. Việc truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy nhanh hơn, công tác phối hợp, hiệp đồng tác chiến trong đấu tranh một số vụ án hiệu quả, thành công. Tuy nhiên, sau khi tiến hành việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã có những tác động trực tiếp đến tư tưởng, hoạt động, công tác của lực lượng công an xã bán chuyên trách, đặc biệt là đối với các đồng chí trưởng, phó công an xã.

Tham gia lực lượng công an xã đã gần 20 năm nay, khi Bộ Công an thực hiện đề án đưa công an chính quy về xã, ông Hoàng Văn Thành, nguyên Trưởng Công an xã đã chuyển sang làm cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng. Chia sẻ với phóng viên ông Thành cho biết: “Bản thân tôi đã nhiều năm gắn bó với vai trò Trưởng công an xã, với những kỷ niệm khó quên, cũng đã quen với những đêm thức trắng cùng anh em công an viên tuần tra kiểm soát và xử lý tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Thời gian đầu khi chuyển công tác cũng thấy nhiều hụt hẫng, nhưng là một đảng viên tôi tự làm công tác tư tưởng cho chính bản thân mình. Môi trường công tác nào cũng cần phải rèn luyện mình, để tôi nỗ lực và cố gắng. Tất cả vì cái chung”.

Từ câu chuyện rất thật của ông Hoàng Văn Thành, có thể thấy, không riêng gì tại Nam Định mà trên khắp cả nước nhiều đồng chí công an xã bán chuyên trách phải nghỉ việc hoặc chuyển nhiệm vụ công tác khác. Song dù được bố trí công tác ở lĩnh vực nào hay trở về với cuộc sống đời thường, họ cũng luôn phát huy truyền thống vẻ vang, anh hùng của lực lượng, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của người cán bộ đảng viên, tích cực tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền cơ sở bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vững chắc ở cơ sở.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thời gian qua xứng đáng là một cuộc “cách mạng” về tổ chức làm thay đổi tích cực các mặt công tác công an. Cuộc “cách mạng” không chỉ dừng ở việc đổi mới cách thức tổ chức, vận hành bộ máy mà thực sự là cuộc đấu tranh trong mỗi cá nhân người chiến sĩ đặc biệt là với lực lượng công an xã bán chuyên trách. Đó là sự thay đổi có tính tích cực trong nhận thức và hành động, là sự hy sinh một phần lợi ích và hạnh phúc riêng tư vì lợi ích chung của cả cộng đồng, cả dân tộc. 70 năm ngày thành lập lực lượng Công an xã, xin một lần nữa được trân trọng họ - những người hùng thầm lặng./.

Thùy Dương
(Công an tỉnh)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com