Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 31-5-2020, lũy tích địa bàn thành phố Nam Định có 2.231 người nhiễm HIV/AIDS, gồm 1.937 nam, 294 nữ. Trong tổng số người nhiễm HIV, có 1.177 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 559 người đã tử vong. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố Nam Định phát hiện mới 6 trường hợp nhiễm HIV, 18 người chuyển sang giai đoạn AIDS và có 5 trường hợp tử vong. Nguyên nhân nhiễm HIV chủ yếu do tiêm chích ma túy, lây truyền qua đường tình dục; tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29 (1.022 người) và nhóm tuổi 30-39 (912 người).
Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở cấp phát Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định. |
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố đã tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại. Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài Phát thanh thành phố và hệ thống truyền thanh ở các phường, xã; cấp phát tờ rơi về phòng chống HIV/AIDS, về điều trị bằng Methadone, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và điều trị ARV; tư vấn trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, người di biến động, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm nguy cơ khác; phối hợp với các trường học tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, các buổi học ngoại khoá. Hàng năm, thành phố đều tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Các hoạt động truyền thông còn được lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các tổ dân phố, cụm dân cư và truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn… Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Hàng năm, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các ngành chức năng tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng tình hình nhiễm HIV/AIDS, số lượng đối tượng nguy cơ cao; rà soát số liệu định kỳ, giám sát bệnh nhân chuyển giai đoạn AIDS và tử vong do HIV/AIDS tại các phường, xã; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý, thống kê báo cáo số liệu HIV/AIDS; nâng cao chất lượng xét nghiệm sàng lọc; đào tạo nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức mới về xét nghiệm HIV cho cán bộ làm công tác xét nghiệm. Hệ thống cán bộ chuyên trách về giám sát HIV/AIDS được củng cố nâng cao năng lực hoạt động, thực hiện nghiêm túc chế độ rà soát, báo cáo thống kê số liệu theo quy định. Cũng trong chương trình can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV, các ngành chức năng tích cực thực hiện chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có một cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và một cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định. Riêng cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định hiện đang cấp phát thuốc cho 86 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn. Các bệnh nhân duy trì đến uống thuốc đều dặn, qua đó giúp bệnh nhân không còn lệ thuộc và sử dụng ma túy, nâng cao sức khỏe, ổn định tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố tăng cường hoạt động tư vấn, xét nghiệm cho người có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện trường hợp dương tính với HIV, tư vấn và chuyển gửi đến phòng khám, điều trị cũng như tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội khác; triển khai công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng thông qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, cộng tác viên; phát huy trách nhiệm người nhiễm HIV trong chăm sóc HIV/AIDS tại cộng đồng; phối hợp tốt giữa chương trình phòng, chống HIV/AIDS và chương trình lao trong công tác dự phòng, điều trị, chăm sóc. Với các giải pháp đồng bộ, công tác phòng chống HIV/AIDS ở thành phố Nam Định đã đạt hiệu quả tích cực: Nhân dân, nhất là các đối tượng nguy cơ cao đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn.
Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 (từ ngày 1 đến 30-6), với chủ đề: “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các phường, xã, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố tổ chức tốt các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện mục tiêu: Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020. Các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm giảm tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con./.
Bài và ảnh: Minh Tân