Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển với các phương thức hoạt động, loại hình kinh doanh hiện đại, đa dạng… Để việc tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần đưa các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn hoạt động lành mạnh, đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thanh tra Bộ VH, TT và DL, Thanh tra tỉnh về đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực VH, TT và DL, Thanh tra Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh), Phòng VH-TT, Công an các huyện, thành phố và một số cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, từng bước chấn chỉnh, đưa các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp. Năm 2019, Thanh tra Sở VH, TT và DL đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành; 2 cuộc kiểm tra liên ngành với 171 lượt kiểm tra cơ sở bao gồm kiểm tra 40 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo, 23 lễ hội, 60 cơ sở lưu trú, 16 cơ sở TDTT, 5 cơ sở lữ hành và 12 di tích lịch sử - văn hóa. Các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác tổ chức lễ hội tại các huyện: Ý Yên, Vụ Bản; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ văn hóa tại các huyện: Xuân Trường, Trực Ninh; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa tại huyện Nam Trực; công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã nhắc nhở 164 cơ sở, phạt tiền 7 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về tổ chức hoạt động và kinh doanh dịch vụ văn hóa; thu ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 22 triệu đồng. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đều chấp hành các quy định của pháp luật: Các cơ sở karaoke, nhà nghỉ, khách sạn có đầy đủ thủ tục hành chính, giấy phép kinh doanh; đạt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất; niêm yết đầy đủ bảng nội quy, quy định; trang bị đầy đủ dụng cụ phòng cháy, chữa cháy; các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đã đáp ứng yêu cầu về khoảng cách trên 200m với các trường học, diện tích từ 30-50m2. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke chưa chấp hành đúng quy định về thời gian hoạt động (đóng cửa trước 12 giờ đêm); một số cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng không có chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, không đảm bảo về diện tích, ánh sáng; vẫn còn người sử dụng dịch vụ truy nhập các trang thông tin điện tử có nội dung không lành mạnh, chơi các trò chơi bạo lực… Các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo chủ yếu diễn ra trên các trục đường quốc lộ, khu dân cư đông đúc thuộc trung tâm các huyện, thành phố. Nhiều đơn vị lắp đặt biển, bảng, băng rôn quảng cáo lấn chiếm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng ATGT; tình trạng dán tờ rơi, quảng cáo rao vặt còn phức tạp. Lực lượng chức năng đã nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở vi phạm tháo dỡ, cắt bỏ biển, bảng, băng rôn quảng cáo và xử phạt đeo đúng quy định của Luật Quảng cáo. Ở các địa phương có nhiều lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của các lễ hội, đoàn kiểm tra đã tập trung kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh kịp thời các hành vi lợi dụng, biến tướng lễ hội để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi tiêu cực trong việc tổ chức các dịch vụ, lôi kéo tranh giành khách gây mất ANTT; ngăn chặn kịp thời các hình thức: bói toán, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan… Tại các điểm du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy), đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở VH, TT và DL đã xác định những loại hình kinh doanh có nguy cơ cao dễ phát sinh vi phạm pháp luật như dịch vụ văn hóa, trông giữ tài sản, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi, giải trí… để tập trung kiểm tra, kiểm soát; đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực như: Lưu hành văn hóa phẩm độc hại, tăng giá dịch vụ, chèo kéo khách du lịch…
Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác phối hợp giữa Sở VH, TT và DL với các Sở: Y tế, LĐ-TB và XH, lực lượng Quản lý thị trường, Công an và chính quyền các địa phương trong thanh tra, kiểm tra, thẩm định, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực VH, TT và DL trên địa bàn được triển khai chặt chẽ, đúng quy định. Thanh tra Sở VH, TT và DL đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại 43 cơ sở; trong đó có 32 cơ sở karaoke; nhắc nhở 3 cơ sở karaoke; 3 cơ sở quảng cáo; đình chỉ hoạt động 1 cơ sở karaoke. Đặc biệt, trong khoảng thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (từ tháng 2 đến tháng 3), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và giãn cách, cách ly xã hội, Sở VH, TT và DL đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra việc dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động tại các di tích và thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), Đền Trần (thành phố Nam Định); Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đền Cây Quế (Mỹ Lộc)…; phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra việc tạm dừng tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Thanh tra, Quản lý văn hóa, Quản lý thể thao, Quản lý Du lịch triển khai xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn thanh tra để thanh tra hành chính đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao: bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, phòng tập gym, yoga… Kiểm tra các điểm du lịch biển, các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà hàng; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh băng, đĩa, internet, trò chơi điện tử, hoạt động quảng cáo, tổ chức lễ hội, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các hoạt động văn nghệ, thể thao cơ sở; đảm bảo hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, tạo môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, góp phần kích cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Khánh Dũng