Sôi nổi phong trào thi đua yêu nước ở Trực Ninh

08:06, 16/06/2020

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 39/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Chỉ thị số 34/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, 5 năm qua, huyện Trực Ninh đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua theo phương châm: Thi đua để thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, thi đua phải hướng về cơ sở, tạo điều kiện để các cấp, các ngành đổi mới, chủ động trong đăng ký, triển khai những nội dung đột phá của công tác thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Nông thôn mới xã Trực Tuấn.
Nông thôn mới xã Trực Tuấn.

Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện cho biết: “Trong nhiều hoạt động thi đua, huyện luôn đẩy mạnh thi đua trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Qua đó, các phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đang được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng”. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đã quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng lúa chất lượng cao tại 20/21 xã, thị trấn; vùng trồng lúa nếp đặc sản tập trung ở các xã, thị trấn miền 2 và miền 3; vùng sản xuất lúa giống tập trung ở các xã, thị trấn miền 1 và miền 4; vùng trồng cây thực phẩm, trồng hoa cây cảnh; vùng chăn nuôi trang trại tổng hợp; vùng nuôi thủy sản. Đến nay, huyện Trực Ninh đã xây dựng 29 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo, quy mô từ 30 ha/cánh đồng trở lên, thực hiện gieo cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình thâm canh. Một số mô hình sản xuất lúa chất lượng, trồng lúa đặc sản, sản xuất giống lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa đại trà từ 1,5 đến 4 lần đang thực hiện tại Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân, HTX Dược thảo Hoàng Thành. Đến nay diện tích gieo trồng cây màu toàn huyện là 2.633ha, bằng 70% so với năm 2015; trong đó tiêu biểu là vùng trồng rau quả sạch tại xã Trực Hùng, diện tích 45,72ha; vùng trồng rau thủy canh hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGap, diện tích 9ha ở Công ty CP Rau quả sạch Ngọc Anh có sức tiêu thụ tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty CP Rau quả sạch Ngọc Anh có 3 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao; 14 sản phẩm vừa được xếp hạng đợt 2 gồm thịt lợn sạch, gạo sạch, rau quả sạch. Từ các phong trào thi đua, không chỉ xuất hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của các tổ chức mà nhiều cá nhân cũng trở thành các điển hình; tiêu biểu như hộ ông Vũ Thế Đăng, xã Liêm Hải tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong việc phối hợp sản xuất gạo sạch, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang. Ông Phạm Hùng Cường, xã Trực Đạo thành lập HTX Nông nghiệp Hùng Cường tổ chức trồng cây dược liệu, xây dựng lò sấy công nghiệp sơ chế các loại thuốc nam, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Trực Thuận với mô hình chăn nuôi và chế biến thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô lớn. Ông Ngô Văn Ánh, xã Trực Cường với mô hình nuôi cá chép giòn, cá lăng trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Vũ Văn Tiến, xã Trực Thắng, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị phối hợp với mô hình nuôi ếch từ giống đến thương phẩm. Ông Nguyễn Hữu Liễn, xã Trực Nội tích tụ ruộng đất trồng lúa kết hợp chuyển đổi trồng cây ăn quả, chăn nuôi đặc sản. Ông Vũ Đức Thuận, thị trấn Cổ Lễ với mô hình trồng cây cảnh, thu nhập 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Là huyện không có khu công nghiệp tập trung nhưng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Trực Ninh luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh. Đạt được mục tiêu này là do huyện liên tục phát động các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; ”Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Đổi mới quản lý, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”; “Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm” trong các doanh nghiệp, hộ gia đình thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân trên 13% mỗi năm. Trước xu thế hội nhập, phát triển, huyện Trực Ninh đang tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi với môi trường đầu tư lành mạnh nhằm thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước vào đầu tư. Điển hình như Công ty May 9, Tổng Công ty May Nhà Bè, Công ty May I Nam Định, Công ty Giầy Amara Việt Nam, Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic, Công ty May Shin Myung First Vina, Công ty TNHH Sung Won Vina (Hà Quốc), Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (Ấn Độ)... Tổng vốn đầu tư đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60 triệu USD, tương đương 1.240 tỷ đồng. Huyện có 3 cụm công nghiệp, 9 làng nghề với trên 350 doanh nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 38 nghìn lao động. Hiện tại, huyện đang tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng nhà máy dệt may tại xã Trực Nội với diện tích đất 8,5ha, tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng cùng một số hạng mục, dự án khác nằm rải rác ở các xã, thị trấn trên địa bàn... 

Với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, 5 năm qua, huyện Trực Ninh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho 4 tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” cho 2 tập thể, tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 9 cá nhân; UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” cho 37 tập thể, tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” cho 12 cá nhân; tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 119 tập thể, tặng Bằng khen cho 89 tập thể, 131 cá nhân và 16 nông dân tiêu biểu. Phong trào thi đua yêu nước đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị cùng những mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của huyện, có tác dụng phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tính năng động, sáng tạo, tạo động lực mới, nhân tố mới góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com