Qua 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn

08:06, 12/06/2020

Ngày 5-1-2018, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non được ban hành. Đối tượng được hỗ trợ là trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc triển khai thực hiện Nghị định đã góp phần phát triển giáo dục mầm non tại tất cả các địa phương trong tỉnh. 

Một bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).  Bài và ảnh: Minh Thuận
Một bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).

Tại Trường Mầm non Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), khi các chính sách theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP được thực hiện đã giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Thực hiện Nghị định 06 năm học 2018-2019, Trường Mầm non Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) đã hỗ trợ 37 cháu; năm học 2019-2020 hỗ trợ 46 cháu với mức hỗ trợ 139 nghìn đồng/cháu/tháng. Nhà trường đã bám sát Nghị định và hướng dẫn phụ huynh thực hiện, đảm bảo đúng, đủ quyền lợi cho trẻ em con hộ nghèo của trường. Phụ huynh rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Cháu Thẩm Xuân Phúc học lớp 4 tuổi, bố bị mất do tai nạn, mẹ cháu bị bệnh lupus ban đỏ, nhà có 2 anh em. Mẹ cháu dù ốm đau bệnh tật nhưng vẫn đi làm công nhân để có tiền nuôi 2 con và chữa trị bệnh. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền ăn trưa nên mẹ cháu đã bớt được một phần gánh nặng để yên tâm đi làm. Việc thực hiện Nghị định có hiệu quả tích cực tới việc vận động cho trẻ ăn bán trú tại trường. Từ khi có hỗ trợ, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được ăn bán trú tại trường được các cô giáo trực tiếp chăm sóc hàng ngày nên chất lượng sức khỏe được cải thiện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt. 

Tại Trường Mầm non Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đã triển khai, phổ biến Nghị định 06 trong các buổi họp hội đồng giáo dục; các buổi họp cha mẹ học sinh. Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán, phân bổ, chi trả lương, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách để thực hiện. Năm học 2018-2019, học kỳ I trường có 10 cháu được hỗ trợ ăn trưa, học kỳ II có 4 cháu được hỗ trợ ăn trưa; năm học 2019-2020, học kỳ I có 4/530 cháu được hỗ trợ, học kỳ II có 5/618 cháu được hỗ trợ ăn trưa…

Nghị định 06 quy định đối tượng áp dụng là trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập bảo đảm một trong những điều kiện: Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Là con gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (khoản 1, Điều 2; Điều 3). Mức chi trả và thời gian hỗ trợ ăn trưa bao gồm: Trẻ em được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng; Thời gian hỗ trợ cho trẻ em tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Về chính sách đối với giáo viên mầm non, Nghị định quy định rõ về đối tượng được hưởng chính sách, nội dung và phương thức thực hiện chính sách. Theo đó, tùy theo đối tượng giáo viên mầm non và địa bàn công tác sẽ được bố trí xếp lương phù hợp, hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn, thanh toán tiền mua tài liệu học tập. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 06/NĐ-CP, UBND tỉnh, Sở GD và ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố các trường mầm non thực hiện. Các trường lập danh sách trẻ trong diện được hưởng chế độ theo Nghị định; phối hợp với xã, phường, phụ huynh làm hồ sơ đề nghị gửi lên Phòng GD và ĐT. Phòng GD và ĐT thực hiện kiểm tra, đối chiếu và thống kê, lập danh sách trẻ mẫu giáo thuộc đối tượng quy định trong Nghị định và trình UBND huyện, thành phố duyệt và cấp kinh phí. Tính đến hết tháng 4-2020, toàn tỉnh đã có 24.848 lượt trẻ ở các trường mầm non công lập được hưởng chính sách với số tiền đã chi trả 15 tỷ 155, 895 triệu đồng. Thực hiện chính sách đối với giáo viên, các Phòng GD và ĐT phối hợp với Phòng Tài chính, Phòng Nội vụ cấp huyện, thành phố tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố phê duyệt. UBND huyện, thành phố tổng hợp danh sách báo cáo Sở GD và ĐT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã thực hiện việc chuyển xếp lương 1 đợt cho 234 giáo viên mầm non với tổng kinh phí 10 tỷ 497,980 triệu đồng. Giáo viên các trường mầm non ngoài công lập được tham gia tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Sở GD và ĐT, phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tổ chức.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo chính sách đối với giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh đã tạo bước phát triển mới đối với giáo dục mầm non, tác động tích cực phát triển giáo dục mầm non vùng còn khó khăn, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và tỷ lệ chuyên cần; nâng tỷ lệ trẻ em được chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày. Theo thống kê từ năm học 2018-2019, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 96,52%; 100% trường mầm non tổ chức học 2 buổi/ngày và đều tổ chức ăn bán trú cho trẻ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com