Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg, ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018-2020 của Bộ Y tế, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Giao Châu (Giao Thủy). |
Toàn tỉnh có 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Xác định hệ thống trạm y tế xã, phường có vai trò quan trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, Sở Y tế đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định 2348/QĐ-TTg; đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng năm Sở Y tế đều xây dựng chỉ tiêu kế hoạch xây dựng xã, phường thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã làm căn cứ cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp các trạm y tế tuyến xã nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, nhất là các đối tượng chính sách: người nghèo và cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công. Những năm qua, hệ thống trạm y tế xã, phường được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đảm bảo đủ số phòng theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn; bổ sung trang thiết bị để thực hiện tốt gói dịch vụ y tế cơ bản; chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất cho công tác y tế dự phòng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên các trạm y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn giúp cho trạm y tế xã có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại tuyến cơ sở, đảm đương tốt chức năng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. UBND tỉnh đã hỗ trợ 32,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trạm y tế; Sở Y tế đầu tư 4,7 tỷ đồng mua trang thiết bị cấp cho các trạm y tế tuyến xã. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã huy động các nguồn lực ngoài ngân sánh Nhà nước, tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài như: Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng - Dự án thành phần tỉnh Nam Định (NORRED); Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) hợp phần 3 triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng theo nguyên lý y học gia đình. Đầu tư trang thiết bị cho 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Hệ thống y tế cơ sở được hoàn thiện, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; sử dụng phần mềm HIS trong khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế... tạo ra bước chuyển biến mới trong hệ thống y tế, tăng khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh, từng bước thực hiện công bằng trong hưởng thụ chăm sóc y tế cho người dân ở các địa phương. Mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Tính đến hết quý I năm 2020, toàn tỉnh có 100% số xã, thị trấn của 9 huyện đạt tiêu chí quốc gia về y tế gồm: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực, Ý Yên; có 3.701 thôn, tổ dân phố (đạt 100%) có nhân viên y tế hoạt động.
Được quan tâm đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ được đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở được quan tâm giải quyết đã tạo nên động lực mới, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các trạm y tế đã thực hiện hiệu quả công tác y tế dự phòng với các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, chăm sóc sức khỏe như: Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; giám sát, thực hiện biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời bệnh, dịch; kiểm tra, giám sát, triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, truyền thông, giáo dục sức khoẻ; chăm sóc sức khỏe sinh sản; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nội, ngoại trú, giảm tải số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt là khám chữa bệnh cho các đối tượng bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, trạm y tế cấp xã là tuyến y tế ban đầu, gần dân nhất, bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí phù hợp với kinh tế người dân tại nông thôn, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống ở khu vực xa bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Tuy nhiên hiện nay hệ thống y tế cơ sở còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Ở một số địa phương, cán bộ, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng và sự cần thiết của hệ thống y tế cơ sở, nên sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn thấp so với nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phát triển kỹ thuật. Nguồn nhân lực cho y tế cơ sở còn thiếu, nhất là bác sĩ; tại trạm y tế chưa đảm bảo đủ cơ cấu, chủng loại theo quy định. Đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường nông thôn ở các địa phương, nhất là xử lý rác thải và phân gia súc còn hạn chế.
Với mục tiêu phấn đấu 100% xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư, Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chỉ đạo tổ chức tập huấn lại cho 100% cán bộ y tế xã về các lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản lý và chất lượng khám chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động y tế, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế, đảm bảo thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; Thực hiện cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến y tế cơ sở theo quy định tại Thông tư 39/2017/TT-BYT, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân./.
Bài và ảnh: Minh Tân