Những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh được triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng về chất lượng; trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Qua đó góp phần tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp trong hoạt động tố tụng.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân. |
Theo đó, Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Tư pháp; thông qua hoạt động TGPL lưu động; lắp đặt các bảng thông tin, hộp thư TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giam, tạm giữ; đẩy mạnh truyền thông về quyền của người được TGPL, tổ chức và người thực hiện TGPL, các quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đồng chí Nguyễn Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: “Thời gian qua, công tác tiếp công dân tại trụ sở Trung tâm TGPL và chi nhánh TGPL các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy được duy trì thường xuyên, bảo đảm 100% người thuộc diện TGPL có yêu cầu được trợ giúp kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Trung tâm TGPL cũng phối hợp với UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể tại địa phương như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... để thực hiện TGPL tại cơ sở. Trong 2 năm qua, Trung tâm đã thực hiện 64 đợt tư vấn pháp luật cho hơn 1.000 lượt người tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã khẳng định chính sách TGPL đã đến gần hơn với người được TGPL, đảm bảo cho người dân được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí và có chất lượng”. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng TGPL nhất là trong hoạt động tố tụng cho trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên cũng được thường xuyên quan tâm, thông qua các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL, tham gia các hội nghị tập huấn chuyên sâu do Cục TGPL (Bộ Tư pháp) tổ chức; đặc biệt chú trọng đến kỹ năng làm việc với nhóm người yếu thế trong xã hội như: người khuyết tật, trẻ em... trong tiếp cận vụ việc.
Từ năm 2018 bắt đầu triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017 (thay thế Luật TGPL năm 2006) và các văn bản pháp luật mới có liên quan với nhiều điểm mới trong công tác TGPL, hướng hoạt động TGPL vào nhiệm vụ trọng tâm là tham gia tố tụng. Do vậy để nâng cao chất lượng công tác TGPL trong hoạt động tố tụng, việc xác lập cơ chế phối hợp thông tin giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh) trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL đã được tập trung chú trọng triển khai một cách kịp thời, bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện được TGPL khi có yêu cầu. Trong đó các đối tượng được TGPL được mở rộng thêm một số đối tượng yếu thế như: Người chưa thành niên, người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người khuyết tật; nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cụ thể cho từng trợ giúp viên pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để rà soát, xác định đối tượng được trợ giúp pháp lý, ra quyết định cử người thực hiện TGPL phù hợp; tạo điều kiện cho các trợ giúp viên, cộng tác viên là luật sư tham gia trong quá trình tố tụng. Bằng những biện pháp tích cực, đồng bộ, hiệu quả TGPL trong hoạt động tố tụng được nâng lên rõ rệt. Nhiều vụ việc do trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đã giúp bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hạn chế được oan sai trong các vụ án hình sự. Trong 2 năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện 1.811 vụ việc TGPL; trong đó năm 2018 thực hiện 743 vụ việc, năm 2019 thực hiện 1.068 vụ việc (tăng hơn 144% so với năm 2018). Đặc biệt số vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm thực hiện đã có chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu của hoạt động TGPL, từ 38 vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành trong năm 2018 đến năm 2019 đã có 136 vụ việc hoàn thành (tăng hơn 300%).
Thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Luật TGPL năm 2017 và các quy định của Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL đặc biệt là với nhóm đối tượng như: hộ cận nghèo, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, trẻ em. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể triển khai hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cử người thực hiện TGPL tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được TGPL, đảm bảo 100% người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện TGPL khi có nhu cầu được TGPL kịp thời, hiệu quả; tránh tình trạng bỏ sót vụ việc mà người được TGPL có nhu cầu. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trợ giúp viên pháp lý và đội ngũ luật sư cộng tác viên đáp ứng tốt công tác tham gia tố tụng, nhằm bảo đảm công bằng cho người dân tiếp cận với pháp luật/.
Bài và ảnh: Thu Thủy