Thời gian gần đây liên tiếp nhiều vụ cán bộ, công chức bị bắt vì tội đánh bạc. Chỉ trong 2 ngày 31-5 và 1-6-2020 tại Thanh Hóa, cơ quan công an đã bắt quả tang 2 vụ cán bộ Nhà nước đánh bạc. Rạng sáng 1-6, Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá ập vào một phòng làm việc ở trụ sở UBND huyện Hậu Lộc, bắt quả tang ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện đang đánh bạc cùng ba người khác trong đó có ông Lê Duy Hưng, Trưởng phòng Tài chính huyện Hậu Lộc và hai chủ doanh nghiệp. Cũng tại Thanh Hóa chiều 31-5, Ông Bùi Quốc Toàn (60 tuổi), Trưởng phòng Quản lý công chức, viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa và ba người bạn đang đánh bạc tại nhà riêng thì bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang. Trước đó 10 ngày, khoảng 3 giờ 30 ngày 21-5, công an huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) bắt quả tang 10 người đang say sưa đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa. Trong số này có 4 cán bộ, đảng viên đang công tác tại địa phương gồm: Võ Đăng Hân (42 tuổi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây); Nguyễn Vũ Hoàng Chương (42 tuổi, cán bộ Kho bạc huyện Sơn Tây); Lê Trung Hiếu (48 tuổi) và Phan Tiến Sĩ (54 tuổi), đều là giáo viên trường PTDT bán trú ở xã Sơn Tân và xã Sơn Long, huyện Sơn Tây. Lãnh đạo huyện Sơn Tây, cho biết thêm khoảng 5 năm trước, ông Phan Tiến Sĩ, lúc đó là Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Sơn Long từng bị bắt quả tang tham gia đánh bạc. Sau đó, ông này bị cơ quan chức năng kỷ luật cách chức Hiệu trưởng. Nhiều người dân địa phương phản ánh, những năm gần đây, thầy giáo này thường xuyên tham gia đánh bạc ăn tiền ở huyện Sơn Tây.
Dư luận xã hội đặt câu hỏi tại sao những cán bộ Nhà nước, những người am hiểu pháp luật lại vi phạm pháp luật bởi bất cứ một công dân nào, đặc biệt là công chức Nhà nước phải sống và làm việc theo pháp luật. Đó không chỉ thể hiện là một công dân gương mẫu mà còn thể hiện sự giữ gìn tư cách đạo đức. Hầu hết các cán bộ, công chức Nhà nước khi bị bắt về hành vi đánh bạc đều chỉ coi đó như một trò giải trí chứ không phải là sát phạt, đỏ đen. Có thể, những cán bộ, công chức tham gia đánh bạc là những người có chuyên môn, trình độ nhưng do thiếu tu dưỡng, ham vui, không nghĩ hậu quả xấu có thể xảy ra đã khiến họ đánh mất chính mình. Nhiều trường hợp tan nhà nát cửa vì cờ bạc mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ suy nghĩ chơi cho vui, không phải dân cờ bạc chuyên nghiệp nên không ảnh hưởng gì đến công việc, gia đình. Chính cách nghĩ giản đơn, thiển cận này đã dẫn đến tình trạng cán bộ đánh bạc có chiều hướng gia tăng.
Theo cơ quan điều tra, nếu như các đối tượng cờ bạc ngoài xã hội thường đánh vào tất cả các ngày trong tuần, thường chơi vào buổi tối thì một số cán bộ, công chức Nhà nước lại tranh thủ chơi bài vào giờ nghỉ của các ngày làm việc, ngày cuối tuần, ngày lễ, tết... Hành vi đánh bạc của các cán bộ, công chức với nhiều hình thức như “phỏm”, “chắn”, đánh ván nào thu ván đấy hoặc ghi điểm cộng dồn rồi tính tiền. Trong khi đó, việc phát hiện, bắt quả tang hành vi đánh bạc của cán bộ, công chức gặp rất nhiều khó khăn bởi họ thường biến một góc kín nào đó trong công sở thành chiếu bạc hoặc tụ tập tại một nơi hẻo lánh, nhà riêng để chơi. Những vụ việc nêu trên thực sự là một hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại, biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Khi đã bị bắt, xử lý vì cờ bạc, các cán bộ tham gia đánh bạc không chỉ “thân bại danh liệt” mà còn ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan và niềm tin của nhân dân.
Ngoài nguyên nhân do các cá nhân coi thường pháp luật, không thực hiện nghiêm các quy định đối với cán bộ, công chức còn do sự buông lỏng quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Để ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức đánh bạc, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, có biện pháp quản lý, ngăn chặn đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không bao che, bỏ qua. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng trở nên cấp bách, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền liêm chính, là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị./.
Hoài Phương