Trong 5 năm qua, triển khai các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Nghĩa Hưng được đổi mới về cả hình thức và nội dung. Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thi đua giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Hội thảo đầu bờ về ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp tại xã Nghĩa Bình. |
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do UBND tỉnh phát động với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, xã hội”, Hội đồng thi đua khen thưởng huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức kí giao ước và phát động phong trào thi đua giữa các khối với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, sâu rộng như: “Lao động hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập thành công”; phong trào “Môi trường xanh - quầy hàng sạch - cử chỉ đẹp” gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Hai tốt” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”... Cụ thể, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, UBND huyện đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu biên chế đến từng đơn vị, đảm bảo đúng định mức biên chế theo quy định, phù hợp với đề án vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến tháng 4-2020, số cán bộ công chức cấp huyện là 90 người và viên chức là 1.848 người; tổng số cán bộ công chức cấp xã là 485 người. Tổ chức sáp nhập đơn vị hành chính xã Nghĩa Thắng và xã Nghĩa Phúc thành xã Phúc Thắng; sáp nhập 17 trường tiểu học thành 8 trường tiểu học; 2 trường mầm non thành 1 trường; sáp nhập 3 cơ quan Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Thú y thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện; sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng và 2 Bệnh viện đa khoa của huyện thành Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập Trung tâm Dạy nghề công lập và 2 Trung tâm GDTX của huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện; sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Phát thanh huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện. Hệ thống hội nghị trực tuyến hoạt động thông suốt, đảm bảo họp trực tuyến liên thông từ tỉnh xuống đến các xã, thị trấn; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được kết nối liên thông sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được tích hợp chữ ký số. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND huyện hiện nay chủ yếu được gửi dưới dạng văn bản điện tử (trừ các văn bản mật theo quy định của Nhà nước); 100% cán bộ, công chức của huyện được cấp tài khoản hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin công vụ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, được UBND huyện công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tất cả các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND huyện (trừ các văn bản mật) đều được đăng tải trên Trang thông tin điện tử phục vụ cho việc cung cấp và minh bạch thông tin; đã có 97/228 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua được gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ đó đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, huy động toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà trọng tâm là các nhiệm vụ đột phá nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện. Những nội dung trên đã tác động tích cực đến việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, tư cách cán bộ, đảng viên tạo sự chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử của cán bộ, đảng viên và được quần chúng ghi nhận. Những tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu vì công việc chung, đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất mở đường, đóng góp ngày công, tiền bạc cho tập thể trong xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của các địa phương, tìm kiếm các ngành nghề mới đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân của địa phương, xuất hiện ngày càng nhiều đã và đang đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiêu biểu như các gương điển hình: Ông Vũ Xuân Túy, Chủ doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy chuyên sản xuất cói xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa bàn trên 15 xã, thị trấn toàn huyện; ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ cơ sở sản xuất cá bống bớp Sơn Nguyệt, đã thu hút được 300 hộ nông dân tham gia sản xuất; ông Nguyễn Xuân Điến, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Đại Thắng xã Nghĩa Thịnh với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” đã cùng với bà con nhân dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển từ hình thức gieo mạ cấy sang gieo sạ, thực hiện cơ giới hóa hoàn toàn trong các khâu làm đất và thu hoạch, mang lại năng suất và hiệu quả cao, làm thay đổi tập quán canh tác của nhân dân… Công tác tuyên truyền, cổ vũ và xây dựng các gương “người tốt việc tốt”, các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương của Bác được coi trọng. Nhiều điển hình tiêu biểu đã được tuyên truyền để nhân rộng trong các đảng bộ, chi bộ và các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở nên sâu rộng, hiệu quả hơn. Đó là tấm gương đồng chí Lại Duy Hiền, chi bộ Bùi Chu, xã Nghĩa Lợi, đã nêu gương sáng là một người bí thư chi bộ gần dân, nhiệt tình, trách nhiệm. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với việc đóng góp theo chỉ tiêu, đồng chí còn vận động gia đình tự nguyện ủng hộ 20 triệu đồng để làm đường thôn xóm. Đó là tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Quế, bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Nghĩa Bình, đã phát huy tinh thần dân chủ, tận tụy trong cả công việc chuyên môn và rèn luyện trau dồi đạo đức, phẩm chất của nhà giáo…
Hội đồng thi đua khen thưởng của huyện xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thi đua; trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn thi đua, đề ra tiêu chí, biểu điểm thi đua để đánh giá, xếp loại kịp thời, khách quan, chính xác. Năm 2019, huyện được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hàng chục tập thể, cá nhân xuất sắc được khen thưởng. 6/7 chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2019 đạt và vượt kế hoạch; 4/4 chỉ tiêu về xã hội đã đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu về môi trường đều đạt và vượt kế hoạch.
Phát huy kết quả đạt được, Nghĩa Hưng quyết tâm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước năm 2020 với các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản trên 20%, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ 80%, với tốc độ giá trị ngành nông - lâm - thủy sản 2%, xây dựng cơ bản trên 17%, thương mại dịch vụ tăng 8,5%; tổng thu ngân sách đạt 743 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,5 triệu đồng, giảm tỷ suất sinh dưới 0,1 phần nghìn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc bảo trợ xã hội dưới 1%, tạo việc làm mới cho 3.850 lao động, tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90%. Về các chỉ tiêu môi trường, tỷ lệ dân số thu gom rác thải đạt 92% trở lên, tỷ lệ thu gom chất thải y tế đạt 100%, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%./.
Bài và ảnh: Việt Thắng