Kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

08:06, 04/06/2020

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), kiểm soát các rủi ro tại nơi làm việc. Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều nâng cao ý thức trách nhiệm, chú trọng công tác ATVSLĐ, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.  Bài và ảnh: Viết Dư
Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Thực hiện Quyết định số 899 ngày 20-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2601 về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia ATVSLĐ tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1803/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng ATVSLĐ tỉnh; triển khai thực hiện Dự án Tăng cường ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020… Theo đó, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức; biên soạn, in ấn, phát hành tờ rơi về chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm… tới người lao động, người sử dụng lao động. Từ năm 2018 đến nay, Sở LĐ-TB và XH tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ, người  lao động trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút hàng nghìn người viết dự thi, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Năm 2019, Sở LĐ-TB và XH tổ chức 5 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho 163 doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn 15 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ doanh nghiệp; huấn luyện 240 người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tổ chức 2 lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho trên 100 người làm công tác ATVSLĐ; tổ chức 1 lớp huấn luyện cho 250 người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện ATVSLĐ cấp huyện và trong các Ban quản lý Khu công nghiệp; 5 lớp tập huấn cho trên 1.800 trưởng thôn, xóm, tổ dân phố về pháp luật lao động, chính sách ATVSLĐ. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH ban hành văn bản hướng dẫn các ngành, các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH hỗ trợ từ 30-50 doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 11-12 nghìn lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; từ 800-900 người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật kiến thức về sơ cứu, cấp cứu. 

Sở LĐ-TB và XH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; qua đó đưa ra những kiến nghị, sửa đổi bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của chương trình. Qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các chế độ, chính sách về ATVSLĐ đã được các doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp đều thành lập Hội đồng ATVSLĐ, thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; triển khai hiệu quả các biện pháp ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn thiết bị, nhà xưởng, xử lý khí thải, nước thải, tiếng ồn, nhiệt độ nhà xưởng…; tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được trang bị và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Tổ chức các khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ cho người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động của các doanh nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện tốt đảm bảo ATVSLĐ, ngày 7-4-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Hội đồng ATVSLĐ tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, triển khai Kế hoạch đến các địa phương theo ngành dọc và theo dõi, đôn đốc thực hiện. Nâng cao chất lượng tư vấn; quan tâm các địa bàn có đông người lao động làm việc; các ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp; quan tâm công tác kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc… Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng Kế hoạch Tháng hành động, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tự kiểm tra công tác ATVSLĐ. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về chủ đề, các hoạt động trong Tháng hành động. Biên tập, cung cấp cho các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tài liệu hướng dẫn nội dung tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Các sở, ngành của tỉnh triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo ngành dọc thực hiện Kế hoạch, hưởng ứng Tháng hành động; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tới các đơn vị thuộc ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020. UBND các huyện, thành phố xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020. Phân công trách nhiệm cụ thể cho ngành, đoàn thể triển khai, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, các cụm công nghiệp của địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn do địa phương quản lý,... quán triệt đầy đủ các nội dung Kế hoạch đã triển khai, bố trí kinh phí đảm bảo các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức, thực hiện ở các đơn vị, cơ sở thuộc phạm vi quản lý./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com