Tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực. Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Tỉnh ta có tỷ lệ tật khúc xạ tương đối cao; theo số liệu khảo sát tại một số trường THCS, tỷ lệ mắc tật khúc xạ chiếm khoảng 20% tổng số học sinh. Trong số những em mắc tật khúc xạ có tới 57,8% chưa được chỉnh kính, 19,8% chỉnh kính không đúng số ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển về thể chất.
Khám tật khúc xạ cho học sinh tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu. |
Tỉnh ta là một trong những tỉnh được Tổ chức Hellen Keller International Việt Nam (HKI Việt Nam) chọn triển khai Dự án nhân rộng mô hình chăm sóc tật khúc xạ học đường. Mục tiêu nhằm giảm số học sinh mắc tật khúc xạ; tăng cường hiểu biết của giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội về tầm quan trọng của việc giữ gìn thị lực tốt; nâng cao năng lực của đội ngũ bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Mắt tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện để phục vụ việc chăm sóc mắt cho học sinh và cộng đồng dân cư. UBND tỉnh đã thành lập Ban điều hành dự án do Giám đốc Bệnh viện Mắt làm trưởng ban, triển khai các hoạt động của dự án gồm: Đào tạo nhân lực, sàng lọc thị lực, khám xác định tật khúc xạ, cấp kính, hỗ trợ khám, truyền thông giáo dục sức khỏe; hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện thành lập phòng khám khúc xạ... 5 năm qua, Dự án đã được triển khai tại 123 trường học THCS, tiểu học ở các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường. Trong khuôn khổ Dự án, Ban quản lý Dự án tỉnh và tổ chức HKI Việt Nam đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức tập huấn về công tác khám sàng lọc tật khúc xạ cho 455 cán bộ y tế trường học của tất cả các trường THCS và tiểu học trong toàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Dự án tiếp tục tổ chức 5 lớp tập huấn sàng lọc thị lực cho 205 cán bộ y tế các trường học được thụ hưởng dự án về các nội dung: Một số dạng tật khúc xạ, sự cần thiết phải khám sàng lọc thị lực, các bước khám sàng lọc, quản lý hồ sơ, theo dõi và giám sát tật khúc xạ… và hướng dẫn thực hành quản lý, chăm sóc tật khúc xạ cho học sinh tại trường học. Các trường tham gia Dự án triển khai tổ chức khám sàng lọc thị lực miễn phí cho 73.903 học sinh. Qua đó, đã phát hiện 10.881 em bị tật khúc xạ (chiếm tỷ lệ 14,7%); một số học sinh đang đeo kính nhưng không đúng số, không đúng loại tật khúc xạ; nhiều kính không đảm bảo chất lượng… Thông qua Dự án đã hỗ trợ cho 4.057 em mua kính mới và thay mắt kính miễn phí cho 1.572 em. Ngoài những học sinh bị tật khúc xạ được khám, cấp kính trợ giá thì nhiều em bị mắc các bệnh về mắt như: Lác, sụp mi, sẹo giác mạc đã được phát hiện và chuyển tuyến để điều trị kịp thời. Trong đó một số học sinh nghèo được HKI Việt Nam hỗ trợ để thực hiện phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ Trung tâm Y tế các huyện thành lập phòng khám khúc xạ với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đồng thời hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ khả năng khám và chẩn đoán tật khúc (bác sĩ định hướng chuyên khoa mắt, kỹ thuật viên khúc xạ và mài lắp kính, cán bộ quản lý phòng kính); tài trợ thành lập Trung tâm kính mắt cộng đồng đặt tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn và được trang bị đầy đủ máy móc, các thiết bị phục vụ cho khám tật khúc xạ và mài lắp kính. Dự án còn đầu tư một số trang thiết bị nhãn khoa cơ bản cho các trường học trên địa bàn được thụ hưởng dự án như: Máy soi bóng đồng tử, máy đo khúc xạ tự động, bảng thị lực...
Cùng với các hoạt động chăm sóc tật khúc xạ học đường, Dự án nhân rộng mô hình chăm sóc tật khúc xạ học đường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường hiểu biết của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội về tầm quan trọng của việc giữ gìn thị lực tốt cho học sinh cũng như tất cả các thành viên trong gia đình. Trung tâm Y tế các huyện tham gia Dự án phối hợp với Đài Phát thanh huyện tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền thanh xã, thị trấn; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện truyền thông trực tiếp, cung cấp hàng nghìn tờ rơi, áp phích, pa nô phổ biến kiến thức về chăm sóc mắt và sức khỏe mắt, tầm quan trọng của việc đeo kính và đeo kính đúng số trong điều chỉnh tật khúc xạ; tuyên truyền kết hợp lồng ghép kiến thức về tật khúc xạ cho học sinh qua các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt Đội, các buổi học ngoại khóa, tổ chức tập huấn cho giáo viên… qua đó, nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh về chăm sóc mắt và sức khỏe mắt. Nhân Ngày Thị giác thế giới (10-10-2019), Trung tâm Y tế Hải Hậu phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Tổ chức HKI Việt Nam tổ chức chương trình cấp kính và giao lưu học sinh các trường tiểu học thụ hưởng dự án, vẽ tranh tìm hiểu về tật khúc xạ học đường tại Trường Tiểu học thị trấn Thịnh Long. Thông qua các đề tài: Các tác nhân gây bệnh về mắt như tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo, dùng điện thoại trong thời gian dài, ngồi học sai tư thế, đọc sách trong môi trường thiếu ánh sáng; phương pháp để giúp có đôi mắt sáng, khỏe là khám mắt định kỳ, thường xuyên, điều trị, đeo kính mắt kịp thời, đúng cách..., đã nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh, thầy, cô giáo và cộng đồng về cách chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, nhất là chăm sóc tật khúc xạ.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Dự án nhân rộng mô hình chăm sóc tật khúc xạ học đường đã góp phần cải thiện sức khoẻ mắt cho học sinh ở các trường tham gia dự án; nâng cao nhận thức và ý thức của giáo viên, học sinh và cộng đồng về tật khúc xạ và tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ mắt, nhất là đối với học sinh. Phát huy kết quả đạt được, Tổ chức HKI Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình chăm sóc tật khúc xạ học đường ở nhiều trường học trong toàn tỉnh nhằm giảm tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ./.
Bài và ảnh: Minh Tân