Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình

08:06, 26/06/2020

Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình, qua đó đã tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ).

Theo số liệu báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, từ năm 2011 đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 1.880 vụ BLGĐ được phát hiện và báo cáo, trong đó có 1.439 nạn nhân BLGĐ là phụ nữ; 22/45 nạn nhân BLGĐ được tư vấn (tâm lý, tinh thần, pháp luật), được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực; 41/45 người gây BLGĐ được tư vấn qua các cuộc họp phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Để ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh và địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Trong đó, các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới được chú trọng với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Ban VSTBPN tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình; biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình có sáng kiến, đóng góp tích cực, các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Sở LĐ-TB và XH đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, trong đó có lao động nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH đều xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực công tác bình đẳng giới, VSTBPN cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã, huyện và cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em các xã, thị trấn, chi trưởng phụ nữ các thôn, xóm, tổ dân phố tại các địa phương. Từ năm 2011 đến nay, Sở đã phối hợp với các cấp, các ngành và chủ trì tổ chức tập huấn các nội dung về bình đẳng giới và VSTBPN cho hơn 6.000 lượt người tham dự. Sở VH, TT và DL phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống BLGĐ, các kỹ năng phòng, chống BLGĐ, hướng dẫn các địa phương triển khai nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ; tuyên truyền kiến thức về tiền hôn nhân cho thanh niên trong độ tuổi kết hôn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình. Từ năm 2011 đến nay, Sở VH, TT và DL đã cấp phát 1.500 cuốn sách về phổ biến kiến thức gia đình, sách về bình đẳng giới và hỏi đáp về bình đẳng giới cho cơ sở; in ấn và phát hành 10 nghìn tờ rơi tuyên truyền về vai trò của gia đình; phát 500 cuốn tài liệu giáo dục đời sống gia đình; in ấn 250 áp phích tuyên truyền các thông điệp về gia đình và phòng, chống BLGĐ treo tại các tuyến đường chính, các khu tập trung đông dân cư; phát hành 1.500 cuốn sách về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ... Nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được thành lập. Đến nay, tại các huyện, thành phố đã thành lập được gần 230 mô hình phòng, chống BLGĐ theo chuẩn của Bộ VH, TT và DL; 290 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; trên 560 nhóm phòng, chống BLGĐ; khoảng 1.000 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng (tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực)... Thông qua việc xây dựng và duy trì các mô hình, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ tại các thôn, xóm góp phần đẩy lùi, ngăn chặn BLGĐ, góp phần xây dựng, ổn định trật tự xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của gia đình đối với cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2013 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND về quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”,“Làng (thôn, xóm) văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”; “Cơ quan (đơn vị), doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”; “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” và quy định việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ một trong những tiêu chuẩn gia đình văn hóa là gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ trong cộng đồng dân cư. Trên cơ sở quy định của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện tiêu chí bình đẳng giới trong tiêu chuẩn gia đình văn hóa tại cơ sở. Năm 2019 toàn tỉnh có 521.160/613.378 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 84,9%). Việc thực hiện các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa trong đó có tiêu chí bình đẳng giới đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Có thể thấy, bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phụ nữ nói chung và phòng chống BLGĐ nói riêng đã được nâng lên. Ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có sự tham gia của phụ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các lĩnh vực từng bước được nâng lên. Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và khẳng định vai trò, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Thời gian tới, các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch hoạt động VSTBPN, bình đẳng giới và phòng BLGĐ. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp tục nhân rộng các mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại các phường, xã, thị trấn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống ngay từ mỗi gia đình, nâng cao trình độ, năng lực nhận thức về giới, bình đẳng giới, chung tay xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em./.

Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com