Không thể chặt hạ cây phượng vô tội vạ

07:06, 05/06/2020

Mấy ngày qua, nỗi xót xa vì sự cố một học sinh tử vong, nhiều học sinh bị thương do cây phượng cổ thụ trong sân trường bất ngờ bị bật rễ đổ ở một trường THCS tại Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục nhân lên khi sau đó một loạt cây phượng “vô tội” ở nhiều trường học khác bị đốn bỏ?! Có trường thì quây chặt “cách ly”. Cây phượng cổ thụ giữa sân trường từng là chiếc ô xanh mát đầy lãng mạn của bao học sinh bị chăng dây quây quanh không cho học sinh đến gần. Những hình ảnh đối xử với cây phượng đăng trên các trang mạng xã hội những ngày qua khiến không ít người ngậm ngùi, xót xa và cả giận dữ vì một cách xử lý nóng vội, cực đoan chỉ vì lo sợ trách nhiệm. Chắc chắn có cả những âu lo khi những sân trường đổ bê tông, lát gạch nóng hầm hập kia những ngày tới sẽ không còn được những tán cây che mát. Thầy và trò sẽ phải chật vật đi qua những mùa hè đã nóng lại càng thêm bỏng rát, ngột ngạt! 

Rất nhiều bài viết, nhiều ý kiến khẳng định rằng cây phượng không có lỗi và không đáng bị đối xử như thế! Nhiều năm gần đây, tình trạng cây cổ thụ trên đường phố bật gốc ngã đổ gây hư hại tài sản, làm bị thương, thậm chí chết người không phải hiếm. Phượng, xà cừ, bàng là những loại cây bị bật gốc nhiều trong thời gian qua. Đây đều là những cây có tán rộng, tác dụng che nắng rất rõ. Tuy nhiên cây thường bị đổ sau các trận mưa bão, hoặc lốc xoáy đột ngột, cường độ mạnh nên “trách nhiệm” được đổ cho thiên tai. Do vậy, chuẩn bị vào mùa mưa bão các đơn vị quản lý cây xanh đều tiến hành cắt tỉa cành cây trên đường phố để ngăn ngừa nguy cơ cây gẫy đổ khi có mưa bão. Trước nỗi xót xa của cộng đồng về sự mất mát lớn đó, và để an toàn trách nhiệm, phòng ngừa các sự cố tương tự, lập tức những cây phượng trong nhiều sân trường hoặc bị chặt bỏ hoặc được “bảo vệ” bằng những cách khác thường?!

Theo những người có chuyên môn về cây xanh, phượng dễ gãy đổ là do cây thuộc loài rễ chùm, ăn nông. Trước kia cây ít bị đổ là do nền đất chưa bị đổ bê tông, lát gạch, bó gốc như hiện nay nên bộ rễ phát triển tốt, đảm bảo độ vững chắc cho cây. Ngày nay, đường phố, sân trường đổ bê tông, lát nền, cây được xây bồn quanh gốc, hoặc quá trình đào đường để lắp đặt các công trình ngầm khiến cây đứt rễ, hoặc bộ rễ không thể ăn lan để bám chắc vào lòng đất đảm bảo độ chắc chắn, trong khi tán cành lại to rộng. Những nguyên nhân đó khiến cây phượng cũng như một số loại cây cổ thụ có nhiều trong đô thị hiện nay như bàng, xà cừ… dễ bị bật gốc đổ ngã khi mưa to gió lớn, nước ngập, nền đất bị nhão. Rõ ràng, đây là lỗi do công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Việc chặt bỏ những cây phượng cổ thụ đang xanh tốt một cách vô tội vạ là cách làm cứng nhắc, nóng vội, không thể ngăn chặn hoàn toàn các tình huống tai nạn rủi ro như vừa qua, chưa kể đến những hệ lụy môi trường khác như việc mất đi các tán cây che nóng, giảm nhiệt cho các sân trường, đường phố khi mùa hè ngày càng nắng nóng.

Sự cố trên thêm một lời cảnh báo cấp bách đối với cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý cây xanh đô thị một cách phù hợp, khoa học để vừa bảo đảm an toàn cho con người, vừa bảo vệ được hệ thống cây cổ thụ trong đô thị mà phải mất nhiều thập kỷ mới có được. Điều đáng nói là trong chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai hàng năm, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều được yêu cầu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể, đều yêu cầu rà soát các công trình, hạng mục có yếu tố nguy hiểm để chủ động xử lý phòng ngừa sớm. Tuy nhiên lâu nay việc bảo đảm an toàn cây xanh mới được quan tâm đối với cây trồng đường phố, trong khi ở các nhà trường có hệ thống cây cổ thụ phượng, bàng khá nhiều. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương chỉ đạo các nhà trường rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường để có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như bảo vệ cây một cách phù hợp. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về chuyên môn cho các đơn vị, địa phương có cây cổ thụ tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng sức khỏe của cây, phát hiện các nguy cơ mất an toàn để đưa ra các giải pháp xử lý, phòng ngừa thích hợp, tránh cách làm cực đoan, thái quá như ở một số trường trong những ngày qua. Bảo vệ cây xanh cũng là bảo vệ môi trường sống cho con người./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com