Toàn tỉnh hiện có 542.636 trẻ em, chiếm 26,6% dân số, trong đó có 4.639 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 30.057 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách pháp luật về chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, qua đó nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân về công tác trẻ em có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Chương trình văn nghệ của các cháu Trường Mầm non Yên Mỹ (Ý Yên) chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã tổ chức tập huấn triển khai Luật Trẻ em và định hướng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các thành viên ban điều hành, tổ thư ký giúp việc Ban điều hành Chương trình bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện. Sở LĐ-TB và XH tích cực phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em; quản lý dữ liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp, hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước nạn bạo lực, xâm hại. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học về bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em; thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng với phương thức cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương… qua đó ngăn ngừa, hạn chế trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhiều năm qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Hàng năm, Sở GD và ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; thiết lập cơ chế trong trường học để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em; kịp thời phát hiện trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng. Năm 2020, Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua và phát động thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, trong đó trọng tâm là phòng, chống xâm hại trẻ em… Qua đó, Hội Phụ nữ các phường, xã, thị trấn đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi học ngoại khóa với chủ đề: “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” thu hút nhiều học sinh tham gia, giúp các em hiểu về quyền trẻ em, kỹ năng sống; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Sở VH, TT và DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm của gia đình trong việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đoàn Thanh niên tỉnh đã phát động đoàn viên, thanh niên tham gia các đội tình nguyện bảo vệ, chăm sóc trẻ em các xã, phường, thị trấn, hỗ trợ các nguồn lực giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học được trở lại trường tham gia học tập; vận động các đoàn viên chia sẻ kỹ năng phòng ngừa, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em trên các trang mạng xã hội...
Với nhiều biện pháp đồng bộ, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có kết quả tích cực. Toàn tỉnh không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; nhóm đối tượng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; Tỷ lệ trẻ em nhập học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 96,52%, tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,13%, tỷ lệ trẻ em nhập học trung học cơ sở đạt 99,99%; 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, góp phần bảo vệ trẻ em một cách toàn diện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, ngày 13-3-2020 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em trên địa bàn tỉnh được bảo vệ trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tạo môi trường an toàn, lành mạnh giúp trẻ em phát triển toàn diện. Theo đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm đẩy mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp; duy trì thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em./.
Bài và ảnh: Viết Dư