Thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) có 683 hộ dân với trên 2.200 khẩu. Trước đây, cuộc sống của người dân trong thôn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, không có ngành nghề phụ nên còn nhiều khó khăn. Phát huy sức mạnh đồng thuận của cán bộ, nhân dân, thôn đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM), phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần tạo sự khởi sắc cho quê hương.
Làng quê Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đổi mới. |
Trưởng thôn Lang Xá Lê Văn Sa dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn trên những con đường bê tông rộng đẹp, hai bên đường san sát các ngôi nhà cao tầng, các xưởng mộc, xưởng cơ khí, xưởng may; khu trung tâm thôn tập trung đông các cửa hàng, cửa hiệu người mua bán ra vào tấp nập… Thật không ngờ, ở nơi cách xa trung tâm xã, tuyến giao thông trục xã vào thôn còn khó khăn nhưng Lang Xá phát triển mạnh mẽ, trở thành đơn vị điển hình của huyện Mỹ Lộc trong xây dựng NTM. Ông Sa cho biết, có được sự đổi thay đáng phấn khởi là do cấp ủy, chính quyền nơi đây đã phát huy sức mạnh đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó nhân dân đóng vai trò chủ thể, vừa là người làm đồng thời cũng là người thụ hưởng; cấp ủy, chính quyền giữ vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt nhân dân thực hiện như lời Bác Hồ đã dạy “lấy sức dân để làm lợi cho dân”. Bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, trong các kỳ sinh hoạt hàng tháng, chi bộ đều ban hành các nghị quyết lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể, nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ”. Nhờ có tiêu chí thực hiện rõ ràng, lộ trình thực hiện từng công việc cụ thể phù hợp với hoàn cảnh thực tế, có cơ chế về nguồn vốn đầu tư cho từng hạng mục xây dựng NTM... nên người dân rất tích cực tham gia. Hàng chục hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến trên 300m2 đất ở, tháo dỡ các trụ cổng, tường bao, đồng thời góp nhiều ngày công lao động để hoàn thành đường giao thông thôn với chiều dài 2.576m, cứng hóa trên 2.000m đường nội đồng; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước dài gần 2.000m, trong đó có nắp đậy kiên cố 966m, xây hệ thống cống ngầm dài 987m, gia cố 272m dài kè đường và kè bờ ao… Cấp ủy, chính quyền thôn cũng đã vận động nhân dân xây dựng cổng chào của thôn, tu sửa nhà văn hóa và các công trình phụ trợ với kinh phí khoảng 300 triệu đồng; vận động nhân dân đóng góp mắc đường điện chiếu sáng trên các trục đường giao thông và các dong ngõ dài gần 5.000m. Tổng kinh phí huy động để xây dựng các hạng mục NTM của thôn từ năm 2010 đến năm 2019 đạt trên 6 tỷ đồng, trong đó mỗi khẩu đóng 2 triệu đồng, còn lại là con em xa quê ủng hộ và nguồn vốn của cấp trên. Cùng với xây dựng cơ bản, các tổ chức đoàn thể trong thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Vào các dịp lễ, tết, các dong ngõ tổ chức dựng cổng chào, trang trí đèn, cờ Tổ quốc... tạo không khí phấn khởi cho nhân dân. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, hàng tháng các đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội cùng nhân dân đều xuống đường hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” phát quang cây cối, trồng hoa, nhặt cỏ hoa hai bên lề đường, tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm và thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng… góp phần thay đổi cảnh quan nông thôn ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Là vùng quê thuần nông nên lãnh đạo thôn xác định, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chính nhưng cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cho năng suất, sản lượng cao. Tất cả 263 mẫu ruộng của thôn để trồng lúa đều được các hộ dân duy trì trồng cấy, hạn chế tình trạng bỏ hoang, tổ chức sản xuất lúa theo hình thức gieo sạ, vừa tiết kiệm công sức, thời gian, vừa tăng năng suất. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập trồng lúa, Ban phát triển thôn đã cùng với HTX Nguyễn Xá vận động các hộ dân tham gia mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Cty CP Giống cây trồng Trung ương. Mô hình được triển khai trên diện tích 40ha trồng các giống lúa: Dự hương, Đài thơm có chất lượng cao theo quy trình sản xuất an toàn và được bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, Công ty đã thu mua của các hộ dân trong thôn trên 40 tấn lúa với giá cao hơn thị trường từ 5 đến 7%. Cùng với duy trì trồng lúa, một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ đất trồng lúa cho hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, trồng hoa cảnh, đem lại thu nhập cao. Với diện tích 5,5ha, ông Trần Văn Ấp đã trồng các cây ăn quả: cam, bưởi, quýt và cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán, hàng năm thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng. Ông Khổng Quang Toản xây dựng vườn hoa Big Bang để sản xuất và cung cấp nhiều loại hoa cảnh, hoa chậu đa dạng cung cấp cho các nhà hàng, khu vui chơi… doanh thu hàng năm đạt khoảng 400 triệu đồng. Các hộ khác như ông Lê Văn Chiến trồng 2ha cây bưởi, ông Trần Văn Ấp trồng 2ha cây ổi, ông Trần Văn Trường phát triển vườn cây ăn quả với đa dạng các cây: ổi, bưởi, mít… cũng cho thu nhập ổn định. Lĩnh vực chăn nuôi cũng thu hút nhiều người dân đầu tư đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền thôn để mở mang sản xuất. Ông Trần Văn Dụng mở trang trại lớn nuôi trên 10 nghìn con vịt, gà; ông Lê Văn Định xây dựng mô hình VAC nuôi hàng nghìn con vịt và trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Khi được chính quyền các cấp tạo điều kiện chuyển đổi, anh Trần Văn Hiền đã xây dựng trang trại ở đầu xóm Ông Cử rộng 2,5ha gồm 2 ao lớn nuôi các loại cá truyền thống: trắm, trôi… cùng với nuôi thả 2.000 đến 3.000 vịt đẻ trứng. Mỗi năm, trừ chi phí, anh Hiền thu 400 triệu đồng, chăm lo con cái học hành, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, một số người dân trong thôn cũng mạnh dạn mở mang hàng chục xưởng sản xuất mộc gia dụng, may mặc thu hút đông lao động tham gia. Từ nhiều năm nay, các xưởng mộc của anh Trần Đình Ủy, Trần Văn Hiệp luôn thu hút 10-20 lao động trong thôn có thu nhập ổn định. Nhiều lao động của thôn cũng tìm việc làm ở các Công ty, doanh nghiệp quanh vùng. Toàn thôn hiện có khoảng 250 người đi làm thợ xây, 200 phụ nữ làm công nhân may mặc… với mỗi tháng thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng. Nhờ phát triển các ngành nghề, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đến nay thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt trên 50 triệu đồng/năm. Trưởng thôn Lê Văn Sa cho biết: “So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, thu nhập của người dân trong thôn không cao bằng bởi thực tế xuất phát điểm người dân nơi đây không thuận lợi. Tuy nhiên, thu nhập này cũng đã gấp 2 đến 3 lần so với lúc đầu bắt đầu triển khai xây dựng NTM. Người dân ngày càng có cuộc sống ấm no”. Đến nay, toàn thôn có 65% hộ có mức sống từ trung bình trở lên khá giả, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%.
Bài học lấy dân làm gốc, luôn là thực tiễn quý giá ở thôn Lang Xá trong quá trình xây dựng NTM. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức thiết thực để người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, trong đó tập trung chương trình xây dựng NTM góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.
Bài và ảnh: Đức Thiện