Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các làng nghề

07:05, 15/05/2020

Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, toàn tỉnh hiện có 144 làng nghề, trong đó 60 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: cơ khí xã Xuân Tiến, ươm tơ dệt vải xã Phương Định, đồ gỗ mỹ nghệ xã Yên Tiến, Yên Ninh, nghề đúc đồng ở Tống Xá, xã Yên Xá, đan chiếu cói xã Vĩnh Hào... Đa số các làng nghề trong tỉnh với đặc điểm các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, nơi sản xuất chính là chỗ ở của người làm nghề, kết cấu hạ tầng không được đầu tư; việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các cơ sở trong các làng nghề còn hạn chế.

Chế tác đồ thờ tại gia đình ông Đỗ Văn Phương, xã Nam Tiến (Nam Trực).
Chế tác đồ thờ tại gia đình ông Đỗ Văn Phương, xã Nam Tiến (Nam Trực).

Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ tại các làng nghề, hàng năm, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Xây dựng các cụm pa nô, áp phích; phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN); biên soạn phát hành tờ gấp, sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tổ chức các lớp huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh ở một số làng nghề có nguy cơ cao mất ATVSLĐ; triển khai các đề án, mô hình cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động… Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH đều tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại các làng nghề có nguy cơ mất an toàn lao động. Ở làng nghề Tống Xá (Ý Yên) do đặc thù của nghề nên tiếng ồn, lượng khí thải và bụi từ hoạt động đúc kim loại, gia công cơ khí xả ra môi trường xung quanh rất lớn. Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, xã Yên Xá đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa truyền thanh, phân công cán bộ đến từng hộ sản xuất nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Qua đó, nhận thức và ý thức tự giác của các chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động về thực hiện ATVSLĐ đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế, hiện nay vẫn còn một bộ phận lao động ở làng nghề, cả chủ sử dụng lao động và người lao động chưa có ý thức trong thực hiện ATVSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất. Người lao động chủ yếu chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp chưa được đào tạo bài bản nên ý thức kỷ luật của người lao động về pháp luật ATVSLĐ còn hạn chế… Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có 2 làng nghề Đồng Côi và Vân Chàng với 250 hộ sản xuất nhỏ lẻ và 76 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận. Năm 2019, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH) phối hợp cùng Sở LĐ-TB và XH tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại làng nghề Đồng Côi. Qua kiểm tra cho thấy các gia đình, chủ sử dụng lao động còn hạn chế hiểu biết về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Các hộ làm nghề, người lao động chưa qua tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN; người lao động không tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm xã hội tự nguyện; các cơ sở sản xuất còn sử dụng không ít các loại máy móc tự chế, lắp ráp từ các bộ phận linh kiện cũ, chắp vá tạm bợ không đảm bảo ATVSLĐ; ở các xưởng sản xuất không niêm yết nội quy, quy định an toàn tại nơi làm việc; không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, bình chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, khí thải… Nhiều chủ sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đảm bảo ATVSLĐ. Về phía người lao động chỉ quan tâm đến tiền công, không biết bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình nên khi xảy ra rủi ro tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động chỉ hỗ trợ một phần, người lao động phải tự lo các khoản chi phí chữa bệnh, khắc phục rủi ro.

Để tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ trong các làng nghề, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các yếu tố nguy hại, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực ATVSLĐ tại các làng nghề và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATVSLĐ./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com