Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, những năm qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được kiểm soát chặt chẽ. Nhận thức, ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng về an toàn thực phẩm từng bước được nâng cao.
Nhà ăn Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Toàn tỉnh hiện có 11.246 cơ sở thực phẩm, trong đó có: 876 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 3.063 cơ sở dịch vụ ăn uống; 1.948 tàu đánh cá, trên 200 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm… Thực hiện Luật An toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 13 và yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định. UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố. Công tác thông tin, truyền thông luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ đi đầu trong quản lý an toàn thực phẩm. Các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cũng như người tiêu dùng với nhiều hình thức phong phú trên các kênh thông tin như: Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, pa nô, áp phích, tờ rơi, hội thảo, hội nghị, tập huấn... Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã chăng treo 662 pa nô, băng rôn, khẩu hiệu; 115 tranh cổ động, áp phích; phát 8.500 tờ gấp cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; phát 239 đĩa ghi âm tuyên truyền về an toàn thực phẩm; Tổ chức 19 hội nghị truyền thông trực tiếp với trên 1.100 người tham dự; Tổ chức 28 lớp tập huấn về công tác an toàn thực phẩm cho hơn 2.100 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các địa phương hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, bố trí lại nhà ăn đảm bảo người ngồi giãn cách theo quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã “vào cuộc” mạnh mẽ tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua hàng trăm hội nghị, các hội thi về an toàn thực phẩm giỏi cấp cơ sở…; thu hút hàng chục nghìn đối tượng tham gia. Các đoàn thể chính trị - xã hội lồng ghép nội dung vận động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào các phong trào của đoàn, hội. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh các cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; tích cực hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, nói “không” với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Đoàn Thanh niên tổ chức đợt tuyên truyền về phòng ngừa ngộ độc rượu và ngộ độc nấm, thu hút trên 7.000 người tham gia… Các ngành, các địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), các mô hình sản xuất an toàn khác và hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Sở NN và PTNT hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ tại Cty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); hỗ trợ xây dựng gần 30 mô hình VietGAP; 3 mô hình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCAP) đối với chế biến thực phẩm; củng cố và phát triển 23 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng 7 chuỗi liên kết sản xuất mới. Sở Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm. Xây dựng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 5 xã của huyện Trực Ninh; triển khai các giải pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm tại 3 bếp ăn tập thể của doanh nghiệp. Sở Công Thương tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát và đồ uống đóng chai giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn của tỉnh. Các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn người dân nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, cả về ý thức, hành động của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm như: Giám sát chất lượng hàng hóa; giám sát các mối nguy (giám sát tại các sự kiện chính trị, văn hóa; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm); tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 244 đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở (3 đoàn liên ngành của tỉnh, 10 đoàn của các huyện, thành phố, 229 đoàn cấp xã và 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành). Tổng số cơ sở mà các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra là 2.069 cơ sở, bao gồm: Dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra có 1.748 cơ sở đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm tỷ lệ 84,5%; có 321 cơ sở vi phạm, trong đó đã xử phạt hành chính 54 cơ sở, với tổng số tiền phạt 211 triệu đồng; tiêu hủy 41 loại sản phẩm; yêu cầu 32 cơ sở khắc khục về nhãn hàng của 23 sản phẩm.
Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 (từ 15-4 đến 15-5-2020) với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 1-4-2020, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm nhằm kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa bàn, cơ sở sản xuất trọng điểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn./.
Bài và ảnh: Minh Tân