Những năm qua, việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một trong những giải pháp quan trọng xây dựng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GD và ĐT tỉnh. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực công tác của ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trao thưởng cho học sinh giỏi tại Hội nghị tuyên dương điển hình "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh năm học 2018-2019. |
Trong mọi công việc, cán bộ, giáo viên ngành GD và ĐT tỉnh đã đẩy mạnh học tập và làm theo Bác với nhiều hình thức phong phú. Các nội dung học tập và làm theo Bác đã trở thành những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn ngành, là việc làm thường xuyên hàng ngày của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Các đơn vị trong ngành đã xây dựng kế hoạch, quy chế làm việc; lựa chọn những nội dung trọng tâm, yêu cầu từng cán bộ, giáo viên đăng ký các nội dung cụ thể về học và làm theo gương của Bác, lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại đảng viên, giáo viên hàng năm. Qua đó giúp cán bộ, giáo viên nâng cao ý thức tự phê bình, phê bình, tinh thần trách nhiệm trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đoàn kết xây dựng đơn vị ngày càng phát triển. Đặc biệt, để việc học và làm theo Bác đi vào chiều sâu, các đơn vị đã gắn kết các nội dung Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị với các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Trong phong trào thi đua “Hai tốt”, Ban giám hiệu các nhà trường đã thực hiện quản lý chặt chẽ nền nếp dạy và học, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nâng cao thái độ, động cơ học tập của học sinh. Thực hiện đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định; chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi thi các cấp, phụ đạo học sinh yếu theo yêu cầu, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi. Cùng với “Dạy tốt - Học tốt”, để thực hiện “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, ngay từ đầu các năm học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp và tích cực hưởng ứng phong trào viết, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm đạt kết quả tốt, qua đó phát động được đông đảo cán bộ, giáo viên các cấp học, bậc học, ngành học viết và áp dụng sáng kiến đã được công nhận ở các cấp vào công tác quản lý và giảng dạy. Trong năm học 2018-2019 toàn ngành đã có 385/808 sáng kiến kinh nghiệm dự thi đoạt giải, trong đó 16 sáng kiến kinh nghiệm loại xuất sắc, 99 sáng kiến kinh nghiệm loại tốt, 271 sáng kiến kinh nghiệm loại khá và cấp giấy chứng nhận cho 224 sáng kiến kinh nghiệm đạt yêu cầu. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng là một nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các nhà trường tập trung triển khai hiệu quả, nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện đối với học sinh. Trong tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện phong trào có những tiêu chí cụ thể đánh giá sự nỗ lực vươn lên của các cơ sở giáo dục. Đến nay, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. 100% đơn vị trường học đã đăng ký tham gia, duy trì và thực hiện có hiệu quả thực chất các nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong đó có phần lớn các trường đạt loại xuất sắc, nhiều trường đạt loại tốt. Thực hiện nội dung xây dựng trường, lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn, cảnh quan môi trường vật chất và môi trường tinh thần của các cơ sở giáo dục đã có chuyển biến tích cực. Các trường học được xây dựng an toàn, sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, có khu vui chơi, công trình vệ sinh. Ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường, tài sản vật chất của nhà trường trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được nâng lên. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các trường học triển khai tích hợp giảng dạy các giáo trình, tài liệu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chương trình chính khóa; từ năm học 2016-2017 đã triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12 thông qua lồng ghép trong giảng dạy các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đoàn, Đội. Chỉ đạo các đơn vị trường học bổ sung, hoàn thiện tủ sách Bác Hồ, tủ sách bồi dưỡng nhân cách, nhất là những cuốn sách tuyên truyền về tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bố trí ở vị trí thuận lợi để người đọc dễ tiếp cận, sử dụng… Bên cạnh đó, các nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thông qua việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng giáo dục lý tưởng, động cơ, thái độ học tập, giá trị nhân văn, lòng nhân ái, nếp sống văn hóa trong trường học; tham gia các hoạt động nhân đạo. Ban giám hiệu các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền việc học và làm theo Bác tới cán bộ, giáo viên và học sinh thông qua việc dạy học tích hợp học tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các bộ môn có thế mạnh như: Giáo dục Công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ... để giáo viên, học sinh hiểu thêm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; trong việc quản lý, giáo dục học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trường học; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thông qua đó tạo môi trường giáo dục thân thiện đối với học sinh, phòng ngừa, ngăn chặn học sinh đánh nhau, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong trường học.
Những cách làm hiệu quả trong việc đẩy mạnh học và làm theo Bác đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 100% các cơ sở giáo dục đã triển khai tốt kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; 100% gia đình học sinh được phổ biến, hướng dẫn và cam kết thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hướng dẫn học tập cho con em trong gia đình. Các đơn vị tiêu biểu là các trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT A Hải Hậu, THPT B Hải Hậu, THPT Nguyễn Khuyến, THCS Đào Sư Tích, THCS Trần Đăng Ninh, THCS Nguyễn Hiền… Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành đã có những bước chuyển biến tích cực, môi trường giáo dục trong các trường học đã được quan tâm đảm bảo an toàn, thân thiện và không xảy ra bạo lực học đường, không có cán bộ giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Năm học 2018-2019, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục khẳng định và giữ vững vị trí là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục với kết quả 75/88 học sinh của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa đoạt giải, trong đó 1 giải Nhất, 26 giải Nhì, 26 giải Ba, 22 giải Khuyến khích. 8 học sinh của tỉnh được chọn tham dự thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia thi quốc tế, trong đó có 2 em đoạt Huy chương Bạc. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, toàn tỉnh có 17.124/18.349 thí sinh dự thi; trong đó có thí sinh đạt từ điểm sàn 14,00 điểm trở lên. Trong kỳ thi THPT quốc gia, Nam Định dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn với mức điểm 5,97 điểm.
Những kết quả đạt được trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đã có sức lan tỏa, tạo động lực để mỗi tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận