Những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; coi đây vừa là mục tiêu, là cơ sở và tiền đề cho việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh trên mọi lĩnh vực, góp phần giáo dục học sinh phát triển hài hoà đức, trí, thể, mỹ. Ở các cấp học, bất kỳ lĩnh vực nào tỉnh ta cũng có những học sinh giỏi, những đơn vị giáo dục giàu tiềm năng sáng tạo. Điều đó góp phần minh chứng cho chiến lược giáo dục then chốt của ngành GD và ĐT tỉnh ta trong nhiều năm qua là đào tạo mũi nhọn song hành với giáo dục toàn diện.
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Trường Thuý (Xuân Trường) trong một giờ học. |
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành GD và ĐT tỉnh luôn chỉ đạo các phòng GD và ĐT, các nhà trường đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, đặc biệt là đề cao vai trò của Ban giám hiệu, cán bộ và giáo viên các nhà trường. Vì vậy qua mỗi năm, chất lượng giáo dục được nâng cao rõ nét. Để đạt được kết quả tốt về giáo dục toàn diện, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục tập trung vào 2 nội dung gồm: Đổi mới phương pháp dạy học; Giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống. Về đổi mới phương pháp dạy học, Sở GD và ĐT đã cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; từ đó chỉ đạo các nhà trường phải tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên. Hiệu trưởng phải là người đi tiên phong về đổi mới; kiên trì tổ chức hướng dẫn giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; chăm lo các điều kiện, phương tiện phục vụ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Trong các nhà trường, các tổ chuyên môn hình thành giáo viên cốt cán về đổi mới phương pháp dạy học; thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp và nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực. Trong chỉ đạo đổi mới, các nhà trường nghiên cứu tổ chức hợp lý việc lấy ý kiến của học sinh về phương pháp dạy học của thầy, cô giáo với tinh thần xây dựng; có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân tích cực và đạt hiệu quả trong hoạt động đổi mới ở các trường, tổ chức nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến trong phong trào đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, các nhà trường không ngừng chăm lo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thông qua việc khảo sát để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng. Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, các nhà trường còn đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; duy trì nền nếp tự quản của đội cờ đỏ, các buổi chào cờ đầu tuần, các hoạt động tập thể, giáo dục đạo đức, tác phong, nêu gương “người tốt - việc tốt”… Đặc biệt, các trường đẩy mạnh thực hiện “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các trường cũng tích cực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, các thầy, cô giáo luôn là những người gần gũi, quan tâm học sinh, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp các em giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, từ đó động viên các em vươn lên học tập tốt; tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường…
2. Những kết quả đáng ghi nhận
Nhờ thực hiện các biện pháp hiệu quả mà chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với chú trọng chất lượng dạy các môn văn hoá, các cấp học còn tích cực tạo ra nhiều sân chơi phát triển trí tuệ cho học sinh như tổ chức các cuộc giao lưu khoa học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tạo cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh phấn đấu, khám phá và phát triển năng lực bản thân. Các sân chơi, phương thức hoạt động được lựa chọn linh hoạt phù hợp với từng cấp học. Ở bậc học giáo dục mầm non, trẻ được đi tham quan, dã ngoại tại các địa danh lịch sử, văn hoá địa phương… Một số trường mầm non đã ứng dụng, tích hợp một số nội dung của phương pháp giáo dục Montessori như kỹ năng thực hành cuộc sống, kỹ năng sống… nhằm tăng cường tính tích cực hoạt động của trẻ, tiêu biểu như các trường mầm non: Sao Vàng, Thống Nhất, 8-3, Hoa Sữa (thành phố Nam Định); Hải Châu (Hải Hậu)… Ở cấp tiểu học, từ các hội thi, giao lưu, hàng trăm học sinh đã đoạt giải trong các Hội thi Toán, Khoa học, tiếng Anh, thi Ý tưởng trẻ thơ, thi An toàn giao thông, thí điểm giáo dục STEM… do Sở GD và ĐT, Bộ GD và ĐT hoặc các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế phát động. Ở cấp THCS và THPT từ nhiều năm nay tiếp tục giữ vững vị trí trong ngành GD và ĐT cả nước, duy trì kết quả thi học sinh giỏi, thi quốc tế, tốt nghiệp và đại học, cao đẳng. Học sinh đã năng động hơn với các hoạt động ngoài sách vở, khắc phục tình trạng học lệch, học tủ. Thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, các trường đã tạo điều kiện cho học sinh khám phá, đánh giá năng lực, sở trường của mình, có ý thức định hướng ngành nghề việc làm và rèn luyện phẩm chất, năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
Những kết quả về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường học trên toàn tỉnh đã góp phần khẳng định chiến lược và chất lượng giáo dục toàn diện của GD và ĐT tỉnh ta, đó là giáo dục học sinh phát triển hài hoà đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống, góp phần xây dựng một thế hệ tương lai có phẩm chất và năng lực để tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Minh Thuận