Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Long (Giao Thủy) tiếp tục củng cố nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt; triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực nhằm tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Diện mạo vùng quê biển này đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đường làng ngõ xóm khang trang, tinh thần người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng.
Diện mạo nông thôn mới xã Giao Long. |
Xác định xây dựng NTM có điểm xuất phát, không có điểm dừng, Đảng ủy, UBND xã Giao Long đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sức dân được khơi dậy để xây dựng NTM thông qua các phong trào làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; sửa chữa khu xử lý rác và lò đốt rác của xã; chỉnh trang các công trình công cộng, xây dựng các thiết chế văn hóa... Nhân dân các xóm tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động nâng cấp các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh và đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Hơn 3 năm qua, người dân toàn xã đã đóng góp 6,5 tỷ đồng để bê tông hóa 25km đường giao thông thôn, xóm. Tiêu biểu như tại xóm 7, người dân đã tự nguyện hiến hơn 12 nghìn m2 đất để chỉnh trang thôn xóm và làm đường giao thông nội đồng; bê tông hóa 3 tuyến đường xóm kèm theo hệ thống đèn chiếu sáng với tổng chiều dài toàn tuyến là 2.200m, kinh phí đầu tư khoảng 360 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2020, các xóm 1, 4, 5, 8, 21 đóng góp đầu tư bê tông hóa hệ thống đường dong xóm đảm bảo mặt đường rộng từ 3,5-4m với tổng chiều dài gần 1.700m, tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 180 triệu đồng. Hệ thống rãnh thoát nước khu dân cư được nâng cấp, đèn điện chiếu sáng được lắp đặt làm cho ngõ xóm phong quang sạch sẽ, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân trong xã thuận lợi. Hệ thống chiếu sáng trên toàn bộ trục đường liên xã, liên thôn được hoàn thành với tổng số tiền 500 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Trong quá trình xây dựng, ngoài việc phân bổ kinh phí theo khẩu, những gia đình chính sách, gia đình thuộc diện hộ nghèo được các xóm họp bàn thống nhất miễn, giảm các khoản đóng góp.
Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi sản xuất theo vùng; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cho trồng trọt, đánh bắt và chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, xã khuyến khích người dân đầu tư tàu lớn, phát triển đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày để khai thác hải sản xuất khẩu, kết hợp khâu khai thác, chế biến nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2020, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản phấn đấu đạt 50%, sản xuất CN-TTCN đạt 17%; các ngành nghề xây dựng và dịch vụ thương mại đạt 33%; thu ngân sách hàng năm tăng trên 5% so với dự toán. Trong đó, khai thác hải sản đạt 3.994 tấn, cá nước ngọt đạt 1.447 tấn; tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 906,4 tấn, đàn gia cầm đạt 48.615 con; tổng sản lượng lương thực đạt 4.584 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt 100 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; tổng thu nhập từ các thành phần kinh tế đạt 422,8 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,85%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,9%... Để phát triển kinh tế - xã hội, một nhiệm vụ quan trọng được xã tập trung chỉ đạo thực hiện là xây dựng thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Từ nhận thức trên, cấp ủy, chính quyền chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để chủ động phòng, chống; vận động nhân dân tham gia các phong trào “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, phong trào “3 giỏi 2 vững mạnh”; thành lập các tổ tự quản, từng bước xã hội hoá công tác ANTT trên địa bàn. Đến nay, xã đã thành lập được 22 tổ “Quản lý cảnh quan môi trường, ANTT” tại 22 khu dân cư làm nhiệm vụ thu gom rác thải; giữ gìn cảnh quan trên địa bàn; nhắc nhở nhân dân giữ gìn vệ sinh chung; tuần tra, đảm bảo ANTT. Khu xử lý rác thải tập trung được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012 nằm cách xa khu dân cư khoảng 5km với tổng giá trị 3,5 tỷ đồng. Mỗi quý, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã tổ chức ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm “sáng - xanh - sạch - đẹp”; trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn tăng cường tái sử dụng rác hữu cơ làm giảm tải lượng rác thải cần phải xử lý tại bãi rác tập trung; tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân không xả bừa bãi nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn bộ 22 xóm đã xây dựng NVH đạt chuẩn NTM với kinh phí khoảng 300 triệu đồng/công trình. Khuôn viên các NVH được xây dựng khang trang, sạch đẹp; huy động 80-90% đóng góp của nhân dân để mua sắm đầy đủ trang thiết bị bàn ghế, loa đài, phông màn… bảo đảm cho việc hội họp và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Từ khi có NVH, nhân dân các thôn sinh hoạt đều đặn hơn và các nhiệm vụ đều được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động thể thao như: cầu lông, bóng chuyền, tập dưỡng sinh… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Kế thừa, phát huy thành quả đạt được trong 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong thời gian tới, xã Giao Long tiếp tục duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chú trọng phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân; huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2020./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh