Trước thực trạng học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020, Sở GD và ĐT đang tích cực chỉ đạo các Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các trường THPT thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học ở các cấp học trong tỉnh.
Chương trình ôn tập môn Lịch sử cho học sinh lớp 12 phát sóng trên Đài PT và TH Nam Định trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. |
Trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trường Thuý (Xuân Trường) đang nỗ lực bù đắp tiếp nối các kiến thức dạy và học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ học do dịch COVID-19. Các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực và đổi mới kiểm tra, đánh giá, như: Phương pháp dạy học dự án, tự nghiên cứu bài học, đánh giá quá trình học tập qua hồ sơ học tập của học sinh… được nhà trường vận dụng phối hợp nhằm khơi dậy hứng thú học tập cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các cuộc họp lắng nghe những ý kiến tham gia, đóng góp của cán bộ, giáo viên để kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy học, như: Tiếp nhận gói tài trợ trị giá trên 30 triệu đồng của Công ty CP Thiết bị và Công nghệ Giáo dục Việt Nam để sử dụng “Kênh kết nối” trên Thuvienhoclieu.vn khắc phục tình trạng hạn chế của các phần mềm dạy học miễn phí khác; lựa chọn những bài giảng điện tử hay (cả có sẵn trên mạng và giáo viên tự làm), những đề kiểm tra, đánh giá chuẩn đưa lên trang web của trường để học sinh có thể truy cập, tiếp cận thuận lợi ở những thời điểm phù hợp và từng bước xây dựng hệ thống học liệu riêng của nhà trường; sưu tầm và xây dựng những video hướng dẫn giáo viên và học sinh khai thác, sử dụng các phần mềm dạy học tiện ích… Nhờ vậy, nhà trường không chỉ cơ bản đảm bảo củng cố kiến thức cho học sinh thi cuối năm và thi tốt nghiệp THPT mà còn tạo đà cho việc tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Hiện tại trường đang tập trung củng cố, ôn tập những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh, đảm bảo tính thống nhất, vừa sức, tránh chồng chéo, theo phương châm đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để các em, nhất là các em học sinh khối lớp 12 vượt qua khó khăn, tích cực tự học và tương tác tốt với giáo viên để hoàn thành các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Tại Trường THCS Nam Cường (Nam Trực), học sinh khối lớp 9 của trường đã chính thức đi học trở lại từ ngày 27-4, các khối lớp 6, 7, 8 đi học trở lại từ ngày 4-5. Ban giám hiệu nhà trường đang tăng cường các giải pháp để chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, cán bộ, giáo viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học. Trong đó, mỗi cán bộ và giáo viên phải khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực hiện có, phát huy tinh thần tự học, sáng tạo để kiểm soát chặt chẽ nâng cao chất lượng dạy học, lắng nghe ý kiến phản hồi từ cha mẹ học sinh để điều chỉnh hoạt động; công khai thời khóa biểu ở các khối lớp để cha mẹ cùng phối hợp theo dõi; tiếp tục khuyến khích học sinh lập thêm tài khoản để tham gia giải Toán, Tiếng Anh trên mạng; tận dụng tốt các nhóm zalo: Ban Giám hiệu; Hội đồng sư phạm nhà trường... để chỉ đạo kịp thời các hoạt động dạy học; kết hợp dạy ôn luyện với dạy học bài mới theo nội dung giảm tải của Bộ GD và ĐT một cách hợp lý, thường xuyên đổi mới cách thức tổ chức để học sinh không nhàm chán…
Việc đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy - học ở các cấp học được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động “tự học, tự rèn” trong các nhà trường. Các cấp học tích cực triển khai quan điểm, phương pháp dạy học tích cực, chuyển từ “chủ yếu cung cấp kiến thức” sang vừa “cung cấp kiến thức” vừa dạy “cách học, cách nghĩ, cách làm, cách sống” gắn với đổi mới hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất và năng khiếu đặc biệt của học sinh. Các mô hình giáo dục mới, các phương pháp dạy học hiện đại được phát huy, giúp hình thành trong mỗi học sinh tinh thần, kỹ năng “tự giác, tự quản, tự học, tự kiểm tra đánh giá”. Qua đó, học sinh được tiếp cận với những phương pháp học tập tiên tiến; năng động, sáng tạo, chủ động vận dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ở cấp học mầm non, các trường chú trọng đổi mới môi trường giáo dục theo hướng mở, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. Trong bối cảnh học sinh phải tạm nghỉ học do dịch COVID-19, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố triển khai tới các cơ sở giáo dục mầm non tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ tại gia đình (nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, thực đơn mùa dịch, cách phòng chống dịch); lựa chọn xây dựng một số hoạt động giáo dục như giáo dục kỹ năng sống, vệ sinh cá nhân, kể chuyện, đọc thơ…, đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị… thường xuyên liên lạc trao đổi, triển khai đến gia đình của trẻ bằng các kênh online. Ở bậc tiểu học, các trường tiếp tục phát huy tích cực các mô hình thí điểm: VNEN; dạy học tiếng Việt theo tài liệu Công nghệ giáo dục lớp 1; dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch; dạy Khoa học theo phương pháp Bàn tay nặn bột. Song song với đó, các nhà trường đã tổ chức các hoạt động định hướng dạy học trải nghiệm sáng tạo nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phát triển thể lực, thể chất học sinh thông qua các câu lạc bộ môn học giúp học sinh phát triển toàn diện. Nhiều nhà trường còn chủ động lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào hoạt động giáo dục như: Tổ chức triển lãm tranh, sáng tạo các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, trình diễn thời trang làm từ vật liệu tái chế... Trong thời gian nghỉ do dịch COVID-19, các trường tiểu học vẫn tiến hành các hoạt động chuyên môn như tập huấn và tổ chức dạy học trực tuyến nhằm duy trì nề nếp học tập cho học sinh, nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Hiện tại các trường tiểu học đã sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh tới trường. Ở bậc trung học, ngành GD và ĐT chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động “tự học, tự rèn” trong các nhà trường gắn với giáo dục toàn diện. Nhiều đơn vị đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, đảm bảo sát đối tượng; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới mô hình tổ chức dạy học; chú trọng phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học; tổ chức các hình thức trải nghiệm sáng tạo, câu lạc bộ môn học, thể thao, nghệ thuật, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng, sở trường. Việc đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng phân tích bài học minh họa và sinh hoạt theo chuyên đề đã được các nhà trường thực hiện và thông qua các Hội thảo dành cho giáo viên tại các cụm trường THPT. Những nỗ lực của các nhà trường trong năm học 2019-2020 bước đầu được thể hiện ở kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra vào đầu năm nay, tỉnh ta có 78/93 học sinh dự thi đoạt giải; trong đó 12 học sinh ở các môn: Toán, Hóa học, Vật lý, Tin học được tham dự chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Hiện tại các nhà trường đang dành thời gian ôn tập các bài đã được giảng dạy theo hình thức trực tuyến, sau đó phân nhóm học sinh để hỗ trợ các em tiếp thu kiến thức tốt nhất theo khả năng để các em bước vào các kỳ thi quan trọng với tâm thế tự tin, đạt kết quả cao nhất.
Từ nay đến hết năm học 2019-2020, đối với bậc học mầm non, ngành GD và ĐT đang tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ hoạt động vui chơi, học tập tại nhà trong thời gian trẻ nghỉ do dịch COVID-19 và chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận trẻ em trở lại trường. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Đối với bậc tiểu học, tiếp tục hoàn thiện việc rà soát, kiểm tra và tập hợp việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 - chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 để báo cáo Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh và cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn. Hướng dẫn các nhà trường dạy học theo nội dung tinh giản của Bộ GD và ĐT. Đối với bậc trung học, thực hiện theo các hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học kỳ II năm học 2019-2020 của Bộ GD và ĐT. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, lựa chọn những nội dung cơ bản, thiết thực để tổ chức các hoạt động học tập; học sinh tự đánh giá, giáo viên đánh giá, cha mẹ học sinh hỗ trợ, đánh giá con em học tập tại gia đình. Hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học trực tuyến trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình trong thời gian từ nay đến cuối năm theo quy định của Bộ GD và ĐT. Các cơ sở giáo dục tập trung cao cho công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; chú trọng việc tổ chức dạy học phân hóa; theo dõi, chỉ đạo việc hoàn thành chương trình; tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020./.
Bài và ảnh: Minh Thuận