Trong không khí náo nức thi đua lao động, sản xuất chào mừng Ngày Quốc tế Lao động (1-5), chúng tôi tìm, thăm lại bà Đỗ Thị Ru, xã Hải Triều (Hải Hậu), người phụ nữ tiêu biểu trong phong trào xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bà Đỗ Thị Ru, xã Hải Triều (Hải Hậu) cùng con cháu xem lại những phần thưởng cao quý đạt được trong quá trình lao động sản xuất phục vụ cách mạng. |
Bà Phan Thị Tuyết, xã Hải Triều (Hải Hậu) là tấm gương tiêu biểu của phong trào “Muối thừa cân, quân thừa người” trong những năm chống Mỹ cứu nước. |
Là vựa muối lớn của toàn tỉnh, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hải Triều đã 27 lần bị máy bay Mỹ đánh phá, 5 trận tàu chiến pháo kích… gây nhiều tổn thất về người, công trình và của cải với 11 người bị chết, 8 người bị thương, phá hủy 3 kho muối, thiệt hại trên 5.000 tấn. Nhưng với ý chí kiên cường dũng cảm, Đảng bộ xã Hải Triều đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, kiên trì sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “muối, cá thừa cân, quân thừa người”, năm 1970, xã khuyến khích người dân thành lập hội “ra biển, xuống đồng” để tăng gia sản xuất, thanh niên nam nữ trong xã từ 16 tuổi trở lên là lực lượng xung kích trong phong trào sản xuất; cán bộ, đảng viên là nòng cột đăng ký ghi tên phụ trách từng cánh đồng muối. Phong trào đã thu hút được toàn dân, toàn quân thi đua lao động, sản xuất. Trong mưa bom bão đạn, nhân dân xã Hải Triều vẫn cho bè mảng ra khơi, bám nắng để sản xuất. Mỗi bè mảng, tàu thuyền là một đơn vị dân quân, mỗi diêm dân là một chiến sĩ, tay trang tay súng vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, ngoan cường bảo vệ an ninh tuyến biển. Chỉ trong một thời gian ngắn xã đã khôi phục lại toàn bộ diện tích ruộng muối bị bỏ hoang ở những nơi địch đánh phá trước đây. Các hợp tác xã phát động phong trào thi đua cải tiến thao tác sản xuất từ sửa ô nề, thay đổi quy trình lấy nước làm muối. Đến năm 1975 toàn xã đã đưa được 94,54ha, diện tích muối vào sản xuất, năng suất bình quân 120 tấn, thu hút 1.468 lao động làm muối, bằng 50% lao động địa phương. Giai đoạn 1965-1975, nhân dân xã Hải Triều đã đóng góp cho Nhà nước 1.500 tấn muối, 1.200 tấn hải sản, 2.800 tấn tép moi; 2 tấn thịt lợn, 1 tấn gà. Kết quả đó, có sự đóng góp của toàn đảng, toàn dân trong xã với nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến như các Hợp tác xã (HTX) Trần Phú, Quyết Thắng, Minh Hải; các chị Đỗ Thị Ru, Phan Thị Tuyết, Đỗ Thị Ngoan, Phạm Thị Rậu, Đỗ Thị Thể, Nguyễn Thị Tư… Trong đó bà Đỗ Thị Ru, Chủ nhiệm HTX muối Trần Phú ngày đó đã có sáng kiến kỹ thuật đưa năng suất muối lên đỉnh cao mới. Trò chuyện với chúng tôi, nữ Chủ nhiệm 2 HTX Trần Phú và Quyết Thắng năm xưa, bà Đỗ Thị Ru như trẻ lại với tuổi đôi mươi của mình. Bà Ru nhớ lại: Khi đó, thanh niên trai tráng hầu như phải chi viện phần lớn ra chiến trường nên lao động chính trên đồng ruộng là người già và phụ nữ. Vượt lên khó khăn, chị em đã đảm nhận các công việc nặng nhọc trên đồng ruộng. Từ đào mương, đắp bờ dẫn nước, đến đắp nền, đổ chạt, xây ô nề, rồi xe cát, trang muối, thu gom sản phẩm. “Khi ấy chúng tôi làm không biết mệt, chỉ nghĩ sao cho làm ra sản phẩm nhanh, nhiều, tốt để phục vụ chiến trường” - bà Ru chia sẻ. Theo đó, ngoài việc cải tiến ô nề ruộng muối, nghĩ cách làm cho cát tơi để ngấm nhiều nước biển, mau khô, giúp muối kết tinh nhanh, bà nghiên cứu điều chỉnh giờ lấy cát phơi và thu muối muộn hơn so với giờ quy định để muối kết tinh nhiều hơn, cho năng suất, chất lượng cao hơn và bà đã chỉ đạo các xã viên lùi giờ làm muối lại để nắng lên cao, mặt ruộng se lại, quá trình kết tinh sẽ nhanh hơn, chất lượng muối tốt hơn, lùi giờ cạo muối muộn hơn nửa tiếng để tranh thủ thêm chút nắng cuối ngày làm tăng sản lượng muối. Cách làm này đơn giản mà hiệu quả cao, năng suất muối tăng từ 120 tấn/ha lên 140 tấn/ha, rồi 160 tấn/ha. Một số chị em trong HTX đã được Chi cục Muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn đi giới thiệu thao tác mẫu tại hội nghị tập huấn kỹ thuật các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tôi đã động viên làm lan tỏa tỉnh thần thi đua lao động trong toàn HTX; nhận việc khó như: khai hoang, làm ruộng muối trên diện tích đất thịt, cải tạo ruộng cấy lúa thành ruộng sản xuất muối để làm gương cho các xã viên khác và đáp ứng yêu cầu về sản lượng muối cho xã. Do vậy, mặc dù đồng đất liên tục bị biển lấn nhưng năng suất sản lượng muối vẫn tăng cao, có thời điểm tăng lên 160 tấn/ha. Bên cạnh đó, bà Ru đi đầu trong việc lãnh đạo xóa bỏ hình thức quản lý phân tán ở đội sản xuất, tăng cường quản lý chuyên môn hóa và phân bổ lao động ở các khâu sản xuất: thành lập các đội chuyên làm nền, làm thống chạt, làm thủy lợi, dẫn nước mặn vào ruộng muối, quản lý kho tàng, thành phẩm và thực hiện thống nhất quản lý, điều hành tập trung, công khai chế độ khoán, thanh quyết toán trên sổ sách, lên phương án phân phối muối theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Do đó sản lượng muối của HTX cao nhất tỉnh, không chỉ đạt mục tiêu cung cấp muối cho tiền tuyến mà còn phục vụ tốt đời sống của nhân dân trong xã và khu vực. Với những nỗ lực của từng cá nhân và toàn thể đảng bộ, nhân dân, xã Hải Triều vinh dự được Quân khu 3 chọn làm điểm phong trào “làm giàu, đánh thắng” trong những năm đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là tiền đề để xã Hải Triều bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Cá nhân bà Đỗ Thị Ru vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đất nước đã thống nhất 45 năm. Phát huy truyền thống cách mạng quật cường, sáng tạo trong lao động, thế hệ trẻ xã Hải Triều đang làm chủ công nghệ, đổi mới cách nghĩ, cách làm quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương