Đã 1 tuần trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng được coi là "tâm điểm" vì có các ổ dịch như Bệnh viện Bạch Mai, xã Sơn Lôi, huyện Mê Linh (Hà Nội), quán bar Buddha phường Thảo Điền (Thành phố Hồ Chí Minh)... thì đến nay đã khá yên ắng, Thành phố Hồ Chí Minh đã qua trên 20 ngày không có ca mắc mới. Hầu hết các bệnh nhân đã được ra viện hoặc xét nghiệm âm tính.
Những ngày này, các cán bộ trạm y tế xã phải xử lý khối lượng công việc cao hơn bình thường gấp nhiều lần. Ảnh: Hà My |
Việt Nam trở thành “hiện tượng” khiến nhiều nước trên thế giới thán phục trong hoạt động phòng chống dịch. Có được kết quả đáng tự hào đó trước hết do có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ cơ sở ở các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố. Ngay từ những ngày mới phát hiện những ca bệnh đầu tiên hầu hết là những người từ nước ngoài trở về, đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ các tổ dân phố, khu dân cư đã quán triệt phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm chắc tình hình di biến động của cư dân, nhất là những người vừa đi từ vùng dịch về, phối hợp với y tế theo dõi sức khỏe, tuyên truyền, vận động thực hiện cách ly theo đúng quy định. Khi dịch bắt đầu có xu hướng lan ra cộng đồng, không quản ngày đêm, các cán bộ cơ sở đến từng nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch, thu thập thông tin cần thiết hỗ trợ cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Các hội, đoàn thể ở các địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động như may, tặng khẩu trang, hỗ trợ người dân thực hiện khai báo y tế một cách trung thực…
Đặc biệt sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, cán bộ cấp cơ sở càng vất vả bận rộn hơn với cả “núi công việc” như tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra đường, không được tụ tập đông người; nhắc nhở mọi người phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tại thành phố Nam Định từ đầu tháng 4 đến nay đã thành lập các chốt tại các khu vực đông người qua lại và các chợ dân sinh để thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe hàng ngày. Lực lượng công an phường, xã, chính quyền địa phương, cán bộ tổ dân phố ngày đêm bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm yêu cầu của Chính phủ về giãn cách xã hội, đóng cửa các hàng quán không kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Công việc này hết sức vất vả và nhạy cảm bởi liên quan trực tiếp đến thu nhập, cuộc sống của người dân, vì vậy trong công tác thực hiện cách ly xã hội, đội ngũ cán bộ cơ sở lấy tuyên truyền, vận động là chính. Thời gian này, ở các khu dân cư đang thực hiện việc rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đối tượng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn để tiến hành hoạt động hỗ trợ với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”!
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trong đó tổ dân phố, chính quyền cơ sở phải là “pháo đài” chống dịch. Với việc sát sao, bám sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, đội ngũ cán bộ cơ sở đã tạo ra sự đồng thuận cao trong mỗi người dân và toàn xã hội, từ đó đã mang lại hiệu quả cao trong cuộc chiến gian nan này. Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được khống chế song hiện nay trên thế giới tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp trong đó có một số nước trong khu vực Đông Nam Á rất gần với Việt Nam. Vì vậy chúng ta không được lơ là, chủ quan bởi bài học từ nhiều nước trên thế giới, do chủ quan nên đã phải trả giá đắt./.
Phương Mai