Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội “đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực bổ sung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Lãnh đạo huyện Mỹ Lộc tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công dịp tết Canh Tý 2020. |
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có trên 36 nghìn liệt sĩ, trên 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh, gần 2.900 bà mẹ đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, trên 200 nghìn người được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến, Bằng khen các loại về những thành tích, đóng góp xuất sắc... Hiện nay, toàn tỉnh có trên 47 nghìn đối tượng người có công, thân nhân người có công và các diện đối tượng liên quan đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí gần 88,5 tỷ đồng/tháng. Việc chi trả trợ cấp thường xuyên và các trợ cấp khác đảm bảo đầy đủ, chính xác trước ngày mùng 5 hàng tháng. Các huyện, thành phố, các ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến; đẩy mạnh công tác xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ chính sách theo quy định cho người có công và thân nhân người có công. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho trên 64 nghìn lượt người có công, thân nhân người có công và các diện đối tượng liên quan đến chính sách người có công; Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu giải quyết với UBND tỉnh báo cáo về Bộ LĐ-TB và XH trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 20 trường hợp mới và cấp lại cho 362 trường hợp bị thất lạc, hư hỏng; giải quyết chế độ chính sách cho gần 4.600 trường hợp thuộc diện đối tượng liên quan đến lĩnh vực người có công theo các Quyết định số: 290/2005/QĐ-TTg; 170/2008/QĐTTg; 62/2011/QĐ-TTg; 57/2013/QĐ-TTg; 49/2015/QĐ-TTg; 24/2016/QĐ-TTg và Nghị định 150/2006/NĐ-CP. Cùng với việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo đời sống cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Năm 2019, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả 3 cấp vận động được 8,234 tỷ đồng; trong đó, quỹ cấp tỉnh 392 triệu đồng; quỹ cấp huyện 1,320 tỷ đồng; quỹ cấp xã 6,522 tỷ đồng. Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB và XH, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 5 nhà tình nghĩa, sửa chữa 34 nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 595 triệu đồng; tặng 56 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình người có công trị giá 91 triệu đồng; nâng cấp 64 công trình ghi công liệt sĩ. Vào các dịp lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) cùng với cấp ủy, chính quyền, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã tích cực tham gia các hoạt động đi thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở huyện Nghĩa Hưng, vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách và chuyển quà của Chủ tịch nước kịp thời, đầy đủ đến hơn 10 nghìn đối tượng chính sách, huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách như viếng nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà và động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh. Đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, đoàn thể tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức lễ thắp nến tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ở huyện Nam Trực, ngoài các hoạt động thường xuyên, các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân những người và gia đình có công với cách mạng vừa thể hiện lòng biết ơn vừa bồi dưỡng giáo dục cho thế hệ trẻ… Huyện Xuân Trường có trên 7.600 đối tượng chính sách, trong đó có gần 6.000 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Hàng năm, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) các tổ chức, đoàn thể tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Huyện đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp được hàng trăm triệu đồng xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Từ nguồn quỹ, huyện và các xã, thị trấn có thêm nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách. Được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội, các đối tượng chính sách luôn gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Hầu hết các gia đình chính sách trong huyện đã ổn định cuộc sống, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương.
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công; tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thể hiện tấm lòng tri ân với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Viết Dư