Toàn tỉnh hiện có 159.774 học sinh đang học ở 230 trường THCS và 57 trường THPT. Trong những năm học vừa qua, chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng thi học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của tỉnh luôn đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Đó là kết quả của quá trình kiên trì đổi mới, sáng tạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục bậc trung học.
Thầy và trò Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) trong một giờ học. |
Hàng năm, bám sát chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học; chỉ đạo các trường THCS, THPT thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Yêu cầu các cơ sở giáo dục căn cứ khung kế hoạch dạy học và hướng dẫn giảng dạy các bộ môn của Sở GD và ĐT để chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn rà soát nội dung sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những phần trùng lặp, vượt quá mức độ cần đạt theo chuẩn kiến thức kỹ năng; cập nhật bổ sung những điểm mới phù hợp; lựa chọn các chủ đề, rà soát các bài học có liên quan tương ứng với các chủ đề, sắp xếp lại thành bài học tích hợp; chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhà trường. Hầu hết các trường đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và triển khai đúng kế hoạch. Nhiều đơn vị có giải pháp hiệu quả trong chỉ đạo quản lý đổi mới dạy học như các trường: THPT A Hải Hậu, THPT Giao Thủy, THPT Lê Quý Đôn, THPT Mỹ Lộc…; THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định), THCS Bạch Long (Giao Thủy), THCS Trực Đại (Trực Ninh), THCS Mỹ Hưng (Mỹ Lộc)… Cùng với thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, Sở GD và ĐT chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn; sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Trong đó tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục trung học theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục, gắn với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý. Các nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh nội dung và phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm phù hợp điều kiện nhà trường. Tổ chức tốt sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học và chuyên đề; dự giờ, đánh giá tiết dạy của giáo viên theo Công văn số 5555/2014/BGDĐT-GDTrH. Sở GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị triển khai áp dụng hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực tại các nhà trường; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; chú ý các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực. Hầu hết các đơn vị đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, đảm bảo sát đối tượng; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới mô hình tổ chức dạy học; chú trọng phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị đã phát hiện kịp thời những vấn đề khó, bất cập và đề xuất giải pháp trong việc thực hiện các phương pháp đổi mới dạy học. Tiêu biểu như các trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT A Hải Hậu, THPT B Nghĩa Hưng, THCS Mỹ Hưng, THCS Trực Đại, THCS Bạch Long… Các chủ đề dạy học có liên quan được tích hợp dạy lồng ghép như: Nội dung phòng, chống tham nhũng, giáo dục an toàn giao thông, phổ biến pháp luật vào môn Giáo dục công dân; giáo dục bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phòng chống thiên tai… trong môn Địa lý; giáo dục chủ quyền biên giới và hải đảo, di sản văn hóa trong môn Lịch sử; lồng ghép nội dung quốc phòng, an ninh trong các môn Văn học, Lịch sử; giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giáo dục STEM trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ và Toán; triển khai dạy một số chủ đề gắn với sản xuất, kinh doanh ở địa phương... Các hình thức tổ chức trải nghiệm sáng tạo, câu lạc bộ môn học, thể thao, nghệ thuật được quan tâm phát triển, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng, sở trường. Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, Sở GD và ĐT chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ trong việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Một số đơn vị đã xây dựng thư viện đề kiểm tra theo định hướng đánh giá năng lực học sinh nhằm nâng cao chất lượng đề kiểm tra thường xuyên và định kỳ; tổ chức khảo sát chất lượng định kỳ đối với các khối lớp; từ đó có giải pháp điều chỉnh nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Sở GD và ĐT đã rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT; chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu các phần mềm dạy trực tuyến, qua đó hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến: shub classroom, google classroom, zoom… cho các trường THPT và các phòng GD và ĐT huyện, thành phố; kết hợp với giới thiệu các phần mềm, website học miễn phí cho học sinh trên mạng Internet; đồng thời chỉ đạo và triển khai thực hiện dạy học trên truyền hình cho học sinh khối lớp 9 và khối lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó thu hút hàng trăm giáo viên và hàng trăm nghìn học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tham gia học trực tuyến, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ học tập trong năm học, nhất là đối với học sinh các lớp cuối cấp, giúp học sinh tự đánh giá kiến thức, kỹ năng tiếp nhận trong quá trình học và ôn tập khi nghỉ phòng chống dịch COVID-19, từ đó có kế hoạch bổ sung kiến thức, kỹ năng trong giai đoạn tiếp theo nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Cùng với công tác chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới được quan tâm. Sở GD và ĐT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán các trường THCS, THPT. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn cũng được toàn ngành GD và ĐT tích cực quan tâm nhằm phục vụ công tác dạy và học của các nhà trường. Đến nay, số trường THCS đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 215/230 trường (đạt 93,47%); số trường THPT đạt chuẩn là 39/57 trường (68,4%).
Với việc tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, bậc trung học của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được duy trì ổn định và có những chuyển biến tích cực, đặc biệt kết quả thi THPT quốc gia, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhiều năm đã khẳng định được vị thế, tính bền vững của giáo dục Nam Định. Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt đều đạt trên 85% ở cả 2 cấp học. Ở khối THCS, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi là 26%, khá 44%; khối THPT tỷ lệ học sinh học lực giỏi là 27%, khá 57%. Thi vào lớp 10 THPT, toàn tỉnh có 93,3% thí sinh dự thi đạt từ điểm sàn 14,00 điểm trở lên, trong đó huyện Trực Ninh có tỷ lệ học sinh đạt điểm sàn cao nhất; thành phố Nam Định có tỷ lệ học sinh đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cao nhất. Thi THPT quốc gia năm 2019, tỉnh ta dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình; tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất toàn quốc với tỷ lệ 99,53%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019, có 88 học sinh tham dự ở 11 môn, giành 75 giải; trong đó: 1 giải Nhất, 26 giải Nhì, 26 giải Ba, 22 giải Khuyến khích; 8 học sinh được chọn tham dự thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia thi quốc tế, trong đó học sinh Đặng Nhật Minh tham dự thi Olympic Vật lý châu Âu; học sinh Trần Quốc Việt giành Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương (APIO 2019); đặc biệt học sinh Phạm Thanh Lâm giành Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế tại Pa-ri. Năm học 2019-2020, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh ta có 78/93 học sinh dự thi đoạt giải; trong đó có 4 giải Nhất ở các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ Văn, 22 giải Nhì, 27 giải Ba, 25 giải Khuyến khích; em Đàm Thị Minh Trang lớp 12 chuyên Hóa 2 năm liền đoạt giải Nhất môn Hóa học. Có 12 học sinh (môn Toán, Hóa học, Vật lý và Tin học) được tham dự chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế./.
Bài và ảnh: Minh Thuận