Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của quê hương

08:04, 30/04/2020

Những năm gần đây, với nhiều cách làm sáng tạo, tỉnh ta đã đạt được kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.

Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Bắt nhịp với xu hướng phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng tham mưu, chỉ đạo thu hút đầu tư để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế cho người dân góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống. Bên cạnh những chương trình, dự án đầu tư phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư ở một số điểm du lịch có quy mô quốc gia, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa quê hương. Cả 10 huyện, thành phố đã chú trọng phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; thúc đẩy kết nối hình thành các tuyến du lịch gắn với các địa danh du lịch, các địa phương khác có di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu. Để việc gắn kết giữa phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa các địa phương thực hiện hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và nhân dân. Yếu tố con người được chú trọng phát huy thông qua hoạt động của người dân trong gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, các sở, ngành, đặc biệt là ngành du lịch cũng làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Với mong muốn đưa giá trị văn hóa truyền thống riêng biệt để quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã đầu tư phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm kết hợp khám phá văn hóa đặc trưng của các địa phương. Hướng đi này đã góp phần đưa các sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, hơn hết đó cũng là cách để du lịch phát triển bền vững mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Những năm gần đây, các mô hình du lịch sinh thái Ecohost còn thu hút ngày càng nhiều du khách là học sinh, sinh viên có nhu cầu về tìm hiểu lịch sử, văn hóa và tham gia hoạt động trải nghiệm. Chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Ecohost cho biết: Du lịch trải nghiệm là một mô hình mới, ban đầu cơ sở hạ tầng du lịch được tận dụng, khai thác từ chính cuộc sống người dân. Sau 1-2 năm, khi nhìn thấy những hiệu quả mà du lịch mang lại, người dân dần đồng thuận và tích cực tham gia cùng doanh nghiệp. Các điểm du lịch trải nghiệm đã từng bước được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, ăn uống phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tập trung đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho các hướng dẫn viên, nhất là kỹ năng giao tiếp tiếng Anh; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn thuyết minh về văn hóa truyền thống đặc trưng của các vùng quê Nam Định... để những người nông dân trước đây chỉ quen với việc đồng áng trở thành những người làm du lịch chuyên nghiệp như hiện nay. Lúc mới đi vào hoạt động, các điểm du lịch trải nghiệm chỉ có chưa đến 10 người, bây giờ con số đó đã lên đến 30 người tham gia, hầu hết là bà con nông dân địa phương. Khi vắng khách họ làm các công việc nhà nông bình thường, khi đón khách lại nhanh chóng trở thành những hướng dẫn viên cho du khách tìm hiểu, trải nghiệm về đặc trưng văn hóa vùng miền; hướng dẫn du khách tham gia trải nghiệm các hoạt động đời sống thường nhật của người dân bản địa như: Xuống ao bắt cá, xay lúa, giã gạo, đan lát hay tham quan ngôi chùa cổ của làng, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước, những làn điệu hát chèo, hát văn... Những người nông dân tham gia làm du lịch lại mang đến sự mộc mạc chân thật hấp dẫn du khách, đặc biệt khách nước ngoài. Thu nhập từ làm du lịch đã cải thiện cuộc sống người dân, giúp người dân có nguồn lực và động lực để giữ gìn bảo tồn những nét đẹp văn hoá độc đáo của quê hương. Nhờ phát triển du lịch trải nghiệm các môn thể thao, trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng có cơ hội quảng bá rộng rãi và phát triển. Đặc biệt, các loại hình dân ca như hát chèo, hát văn - hầu đồng là đặc trưng nhất ở tỉnh ta. Với việc UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nghệ thuật hầu đồng - hát văn được tiếp thêm sức sống, là điều kiện rất tốt để quảng bá di sản văn hóa phi vật thể ra với du khách trong nước và quốc tế. Ở một số huyện như Hải Hậu, Xuân Trường… những nơi có phong trào văn hóa, văn nghệ truyền thống phát triển, các chương trình du lịch trải nghiệm, thậm chí học hát các làn điệu dân gian với những bài đơn giản nhất bước đầu nhận sự hưởng ứng, thích thú của du khách.

Việc kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống là định hướng phát triển đúng đắn nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước vừa phù hợp với điều kiện, năng lực hạ tầng du lịch hiện có, giúp nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com