Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, giải pháp dạy học qua internet, trên truyền hình đã được thực hiện trên toàn tỉnh.
1. “Tạm dừng đến trường, không dừng học”
Trong thời gian nghỉ học để phòng việc lây nhiễm virus Corona, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) thường xuyên trao đổi qua tin nhắn SMS với phụ huynh học sinh về việc bảo đảm sức khỏe và hướng dẫn các em ôn tập, củng cố kiến thức, không xao nhãng việc học khi thời gian nghỉ kéo dài. Nhà trường cũng tiến hành rà soát lại kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh trong học kỳ 2 để điều chỉnh cho khoa học, hợp lý, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả học tập. Các tổ trưởng chuyên môn rà soát lại kế hoạch dạy học của tổ, môn và khối, giáo viên bộ môn của từng khối, lớp có thể cho học sinh bài tập, ôn bài, luyện tập ở nhà. Đến nay, việc dạy và học trực tuyến của trường đã đi vào ổn định ở tất cả các khối lớp với các môn: Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật lý, Sinh vật, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…
Ngay khi có chủ trương dạy học trực tuyến, Trường THPT B Hải Hậu (Hải Hậu) đã tập huấn cho giáo viên về các phần mềm: shub classroom, google classroom, zoom meeting. Đến nay, nhiều giáo viên của trường vẫn tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm dạy học để kịp thời chuyền tải kiến thức cho học sinh. Với giáo viên trẻ thì việc áp dụng CNTT trong dạy học trực tuyến có phần nhanh nhạy hơn, còn với các thầy cô lớn tuổi thì vất vả hơn, đôi khi phải nhờ đồng nghiệp mới có thể hoàn thiện được bài giảng theo chỉ đạo của nhà trường. Bên cạnh đó, những khó khăn như: Điện thoại, laptop với cấu hình thấp, những phần mềm dạy học toàn bằng tiếng Anh, chất lượng đường truyền ở vùng quê xa trung tâm chập chờn, bập bõm… Tuy nhiên, từ giáo viên trẻ đến giáo viên có tuổi đều cùng khắc phục khó khăn để “dạy tốt, học tốt” bằng phần mềm trực tuyến, thiết bị máy tính, điện thoại dần được nâng cấp, mạng wifi, 4G được cài đặt để nâng cao hiệu quả việc dạy học. Theo các giáo viên tham gia dạy trực tuyến của trường thì nhiệt huyết thôi chưa đủ mà còn cần kỹ năng xử lý những tình huống ngoài ý muốn. Ví dụ như ngay tiết đầu dạy trực tuyến đã có học sinh bên ngoài vào quậy phá, nhảy nhót làm ảnh hưởng đến giờ học. Nhờ những buổi tập huấn của nhà trường và tự nghiên cứu, tìm hiểu, thầy cô đã nhanh chóng tìm được biện pháp khắc phục: ngăn học sinh lạ tham gia lớp học, không để học sinh chia sẻ màn hình, khóa phòng học khi đã vào đủ; yêu cầu chặt chẽ hơn với học sinh khi vào lớp: phải ghi rõ họ, tên đệm, tên, lớp… Vượt qua những khó khăn trên, công tác dạy và học trực tuyến của trường vẫn đang được duy trì đều đặn.
Tại thành phố Nam Định, công tác dạy học trực tuyến, hình thức dạy học được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Hàng trăm clip, bài giảng điện tử đã được đăng tải trên trang website, fanpage của các nhà trường và được chia sẻ rộng rãi trên youtube hay các trang cá nhân. Giáo viên cũng có thể chia sẻ những bài học này trên các trang zalo, nhóm kín của lớp giúp học sinh có thể chủ động về mặt thời gian. Các em có thể xem đi xem lại, học mọi lúc mọi nơi, từ đó hình thành và nâng cao ý thức tự chủ, tự học. Phụ huynh cũng kiểm soát và hỗ trợ các con. Việc xây dựng các clip, bài giảng E-learning cũng như các hình thức dạy học trực tuyến khác đang là cơ hội để giáo viên nâng cao khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học trên địa bàn.
2. Đẩy mạnh hoạt động dạy và học trực tuyến
Ngay từ khi Bộ GD và ĐT có chủ trương, Sở GD và ĐT đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo về hoạt động dạy, học trên truyền hình và qua mạng internet như: Phối hợp với Đài PT và TH tỉnh tổ chức dạy học trên truyền hình; tổ chức tập huấn triển khai dạy học trực tuyến... Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên của toàn quốc thực hiện ghi hình và phát sóng chương trình ôn tập cho học sinh trên Đài PT và TH tỉnh từ cuối tháng 2-2020. Tiêu biểu như các trường THPT: Chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Khuyến, Trần Hưng Đạo, Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Thuận; các trường THCS: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Hiền, Hàn Thuyên, Tô Hiệu, Xuân Ninh, Mỹ Hưng, Lộc Vượng, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Đào Sư Tích, Hải Hậu... Đến nay, Sở GD và ĐT đã ghi hình và phát sóng trên Đài PT và TH tỉnh gần 70 bài ôn tập lớp 9 THCS thuộc các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân; gần 30 bài ôn tập lớp 12 THPT thuộc các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Ngoài ra, Sở GD và ĐT cũng phối hợp với Công ty Truyền thông DQT Hà Nội xây dựng 27 bài ôn tập cho học sinh lớp 12 THPT thuộc các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và phát trên youtube. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hình thức dạy học trực tuyến bằng phần mềm shub classroom, google classroom, zoom,… cho các trường THPT và các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố, thống nhất lựa chọn phần mềm chung cho các trường trong toàn tỉnh, giúp cho các đơn vị triển khai tốt hơn việc dạy học trực tuyến. Mặt khác, Sở GD và ĐT nghiên cứu, giới thiệu và chỉ đạo các nhà trường tìm kiếm, giới thiệu những phần mềm, trang web và nguồn tài liệu có chất lượng cho học sinh tham khảo, học tập. Nhiều trường có nhiều hình thức dạy học, chia sẻ tài liệu cho học sinh học tập hiệu quả như thông qua các nhóm messenger; zalo; zoom; viettel study, google classroom, facebook, office 365... Trong điều kiện thực tế, nhiều nhà trường có cách triển khai dạy học mới mẻ, sáng tạo, hiệu quả; tiêu biểu là các trường: THPT Nguyễn Khuyến, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Mỹ Lộc, THPT Vũ Văn Hiếu; các trường THCS ở thành phố Nam Định; các huyện Nam Trực, Trực Ninh… Sở GD và ĐT tập hợp các bài giảng trực tuyến và bài giảng trên Đài PT và TH của giáo viên biên soạn làm nguồn tài liệu để chia sẻ dùng chung cho các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh. Đến hết ngày 20-4, đã có 56 trường THPT, 211 trường THCS và một số trường tiểu học tổ chức dạy học trực tuyến với các công cụ/giải pháp/địa chỉ truy cập học trực tuyến: Nhóm messenger; facebook, zalo; zoom; elearning VNPT; viettelstudy; shub classroom; google.classroom; zoom meetings, chia sẻ bài tập qua gmail; qua youtube, qua Đài PT và TH Nam Định, qua VTV7, Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC8, VTC11, học trực tuyến qua trang Web của Sở GD và ĐT; các phần mềm E-learning; office 365...
Qua thực tiễn triển khai các phương thức dạy và học trực tuyến, Sở GD và ĐT đang xác định việc ứng dụng CNTT sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD và ĐT, coi đây là 1/9 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn này. Theo nhận xét của thầy giáo Phạm Văn Ninh, Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), đang tham gia dạy Toán lớp 12, thì qua thực tế dạy trực tuyến bằng phần mềm zoom và giao bài bằng shub classroom cho thấy phần mềm này rất tiện lợi. Số lượng học sinh tham gia mỗi buổi trung bình đạt 95%, có buổi lên tới 100%. Tuy nhiên khó khăn gặp phải là chất lượng đường truyền yếu, rất khó vào, nhất là vào giờ cao điểm, thời lượng mỗi buổi dạy rất ít (khoảng 45 phút)… Để khắc phục, hiện tại trường đã đăng ký tài khoản office 365 của Microsoft cho toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường; trong đó có các phần mềm dạy học trực tuyến không giới hạn thời gian… Một giáo viên tham gia dạy trực tuyến Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: “Học trực tiếp hay trực tuyến thì để hiệu quả vẫn phải đạt 3 yếu tố “giáo viên, học trò, phụ huynh” cùng hợp tác tích cực mới tiếp thu hiệu quả. Nếu 1 trong 3 yếu tố đó không đồng bộ thì không đảm bảo học sinh tiếp thu được bài. Bên cạnh đó, dù học trực tuyến hay trực tiếp thì cũng giống nhau ở một điểm là phụ huynh nên chọn lớp phù hợp cho con, nên chọn các học sinh có trình độ tương đương học chung 1 ca học, 1 lớp học…”. Thầy giáo Ngô Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) cho biết: Trong những ngày học sinh không đến trường do dịch COVID-19, trường đã tăng cường triển khai các hoạt động giúp học sinh có thể học tập tại nhà, trong đó có việc thực hiện các giờ học trực tuyến. Với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tinh thần nhiệt tình, sáng tạo của giáo viên, cùng sự phối hợp tích cực của phụ huynh, nhà trường đã có 795/838 học sinh tham gia học (94,8%). Một số học sinh không có phương tiện kết nối internet giáo viên tiếp tục trao đổi và hướng dẫn qua điện thoại. Chúng tôi coi đây là giải pháp tối ưu để học sinh được duy trì việc học tập khi phải nghỉ để phòng dịch.
Tuy còn một số tồn tại, khó khăn nhưng các phương pháp dạy học bằng công nghệ đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo kế hoạch và chất lượng dạy học của các nhà trường trong tình hình hiện nay. Với những giải pháp kịp thời, toàn ngành đã nỗ lực giúp học sinh trong tỉnh có tâm thế tự tin nhất để bước vào những kỳ thi quan trọng trong thời gian tới./.
Minh Thuận