Nam Trực đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

08:04, 29/04/2020

Những năm qua, huyện Nam Trực đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm giúp người lao động tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhờ các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nghề đan cói xuất khẩu ở xã Nam Lợi phát triển mạnh.
Nhờ các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nghề đan cói xuất khẩu ở xã Nam Lợi phát triển mạnh.

Huyện Nam Trực hiện có 111.450 người trong độ tuổi lao động, trong đó 50,7% lao động nông nghiệp, 32,7% lao động lĩnh vực thủy sản, Công nghiệp - Xây dựng, 16,6% lao động lĩnh vực Thương mại dịch vụ. Hiện nay, huyện có 7 làng nghề truyền thống gồm các ngành cơ khí, dệt, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đồ gỗ, chế biến lương thực thực phẩm, trồng hoa cây cảnh, tập trung chủ yếu tại thị trấn Nam Giang và các xã: Điền Xá, Nam Hồng, Nam Thanh, Nam Dương, Hồng Quang. 3 cụm công nghiệp tập trung gồm: cụm công nghiệp xã Nam Hồng; cụm công nghiệp Vân Chàng và cụm công nghiệp Đồng Côi (thị trấn Nam Giang). Đến hết năm 2019, toàn huyện có 399 doanh nghiệp, trong đó 10 doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Nam Trực đến năm 2020”; kiện toàn bổ sung Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 huyện đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, thành phần. Để thu hút lao động tham gia học nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện mở chuyên mục trên trang thông tin của huyện; xây dựng chương trình phát thanh tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách, quyền lợi của người lao động nông thôn tham gia học nghề theo Đề án 1956. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; yêu cầu đơn vị đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Năm 2019, thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã tổ chức tuyển sinh 245 học viên đủ điều kiện học nghề sơ cấp theo quy định. Trong đó tổ chức 4 lớp may công nghiệp, tổng số 140 học viên; 1 lớp chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh với 35 học viên; 1 lớp đan cói xuất khẩu gồm 35 học viên; 1 lớp hàn điện 35 học viên. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã đã tổ chức tuyển sinh, thẩm định hồ sơ đối với 315 học viên đủ điều kiện học nghề sơ cấp theo quy định, trong đó 42 học viên thuộc đối tượng chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngành nghề đào tạo được phân bổ thành 9 lớp học, trong đó lĩnh vực phi nông nghiệp có 6 lớp, tổng số 210 học viên; ngành nông nghiệp 3 lớp, tổng số 105 học viên. Bên cạnh đó, căn cứ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã tích cực phối hợp các đơn vị để mở lớp dạy nghề cho lao động trong và ngoài huyện. Năm 2019, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh mở 2 lớp đào tạo cho 70 lao động; phối hợp thẩm định 13 lao động đi học nghề tại Trường Trung cấp Cơ điện; thẩm định 8 đối tượng khuyết tật đi học nghề tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh. Các lớp học nghề đều đảm bảo đúng quy định như: có đầy đủ chủ nhiệm và ban cán sự lớp; hệ thống giáo án, giáo trình của giảng viên đảm bảo theo yêu cầu; thiết lập đầy đủ các loại sổ sách theo dõi quản lý học viên; số giờ học lý thuyết và số giờ thực hành theo đúng quy định của từng mô-đun học; địa điểm, trang thiết bị tại đơn vị mở lớp đảm bảo cho việc học lý thuyết và thực hành. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Sau khi học nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện đã được cải thiện. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, đối với nghề phi nông nghiệp, 70% lao động sau khi hoàn thành học nghề có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, 20-25% lao động làm công việc mới có hệ số tiền lương cao hơn. Nhờ có tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, hàng năm toàn huyện có hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 1,65%. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh khai thác, huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hàng năm, toàn huyện có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, vay vốn xuất khẩu lao động… với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng.  

Thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tạo điều kiện để các trường hợp sau khi hoàn thành học nghề vào làm việc, qua đó tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com