Triển khai thực hiện xây dựng trường học sinh thái, Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) chọn cải tạo, xây mới nhà vệ sinh thân thiện. Công trình được thiết kế theo không gian mở, thoáng đãng; trang bị đầy đủ chậu rửa tay, giấy, xà phòng, khăn lau tay. Những chậu cây trang trí, những lời nhắn nhủ thông điệp về việc giữ vệ sinh môi trường kẻ vẽ trên tường tạo sự gần gũi, thân thiện với học sinh. Đặc biệt nhất là trang bị hệ thống phát nhạc tự động giúp học sinh có những giây phút thư giãn thoải mái với những bản nhạc không lời. Không gian thân thiện này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh về môi trường học tập xanh - sạch - đẹp - an toàn cho học sinh.
Trường Mầm non Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD và ĐT huyện Xuân Trường, đầu tháng 1-2020, Trường Tiểu học Xuân Hồng, xã Xuân Hồng đã tổ chức ngày hội “Chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái” với 2 nội dung: “Tìm kiếm tài năng” và “Trưng bày sản phẩm, đồ dùng dạy học tự làm, sản phẩm tái chế tự làm của giáo viên, học sinh”. Ở nội dung thứ nhất, học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đã tự tin thể hiện tài năng, kết quả luyện tập trong quá trình sinh hoạt tại các câu lạc bộ như: Yoga, Zumba, Diễn xuất, Tiếng Anh, TDTT... Nội dung thứ hai là trưng bày kết quả của quá trình tích cực tự làm đồ dùng dạy học, hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh cùng tham gia sáng tạo đồ dùng với hàng nghìn sản phẩm hữu ích. Việc tổ chức ngày hội “Chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái” tạo cơ hội để các thầy cô giáo thể hiện tình yêu nghề, yêu trường lớp, tâm huyết với học sinh; một “sân chơi” cho học sinh để thể hiện năng lực, phẩm chất; đồng thời huy động đông đảo cha mẹ học sinh chung tay, góp sức trong mọi mặt hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Ngay từ đầu năm học 2019-2020, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD và ĐT, các trường tiểu học trong toàn tỉnh triển khai xây dựng trường học sinh thái với mục đích tạo cơ hội để học sinh giao tiếp, hợp tác, chia sẻ, bày tỏ quan điểm, vận dụng kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường mối liên kết giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng; nâng cao ý thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh về tri thức, sức khoẻ, kỹ năng sống, ý thức xây dựng trường lớp “xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện” gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Các trường tiểu học đã tổ chức tuyên truyền, phát động, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái” tới các thầy cô giáo, học sinh và cha mẹ học sinh. Nội dung xây dựng trường học sinh thái tập trung vào các chủ đề hoạt động như: “Phủ xanh”: bao gồm việc trồng cây ăn quả “xanh hoá” và giữ gìn các khu vườn phục vụ học tập, trồng cây bản địa, canh tác hữu cơ... “Năng lượng”: trường thiết kế phòng học thông khí tốt và tận dụng ánh sáng tự nhiên trong trường học để giảm sử dụng điện; bổ sung các thiết bị mới như máy dò chuyển động, bóng đèn tiết kiệm năng lượng. “Bảo vệ nguồn nước và tiết kiệm nước”: nhà trường tổ chức chiến dịch vì cộng đồng trường học để tiết kiệm nước; học sinh mang theo một chai nước đã qua sử dụng để tưới cây trong trường; thu nước mưa; đặt chai nhựa trong ngăn chứa nước của bồn cầu để giảm lượng nước xả toa-lét. “Bảo tồn tài nguyên”: quản lý chất thải, bao gồm làm phân bón hữu cơ, làm khí sinh học và các sản phẩm nông nghiệp khác; từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, sửa chữa tất cả các vật liệu. “Sạch sẽ và sức khoẻ”: cấm đồ ăn vặt, thực phẩm có hương vị và màu nhân tạo (bột ngọt, chất điều vị), bao bì nhựa; khuyến khích hoặc yêu cầu học sinh mang theo chai nước của riêng mình và hộp đựng thực phẩm để giảm chất thải; chương trình diệt muỗi; cấm sử dụng các đồ nhựa từ polystyrene (hộp xốp đựng thức ăn, hộp sữa chua, một số loại đồ nhựa dùng một lần…) trong khuôn viên nhà trường; sáng kiến cộng đồng sử dụng xe đạp để giảm ô nhiễm; vệ sinh (bao gồm giám sát sự sạch sẽ của nhà vệ sinh trường học và sử dụng dép đi trong phòng vệ sinh làm từ vật liệu tái sử dụng). “Hoạt động cộng đồng”: Học về cộng đồng và dịch vụ như sử dụng bóng bùn sinh học để làm sạch sông, hoạt động thu gom rác, bán bánh sử dụng sản phẩm được trồng trong trường học; các chiến dịch chống xả rác… “Học tập/tiếp cận/nhận thức về môi trường”: Tổ chức Trạm học tập giáo dục môi trường trong khuôn viên trường; kỷ niệm các sự kiện môi trường toàn cầu, như Ngày trái đất, Giờ trái đất và Giờ môi trường; hội thảo, khoá học đào tạo giáo viên và học sinh về giáo dục môi trường; tạo ra tổ chức sinh thái sôi động trong trường, như các hiệp hội, đội, câu lạc bộ…; sử dụng truyền thông đại chúng và các chiến dịch tiếp cận cộng đồng về giáo dục môi trường…; sách hướng dẫn cho giáo viên và học sinh về giáo dục môi trường, như sách giáo khoa; trò chơi thân thiện với môi trường; các hoạt động ngoài trời, đi bộ tự nhiên, đi bộ đường dài, cắm trại... “Sáng tạo, kinh doanh và khuyến khích hoạt động giáo dục môi trường”: Các cuộc thi nghệ thuật môi trường như các buổi trình diễn thời trang sử dụng vật liệu tái chế, cuộc thi ảnh, cuộc thi làm poster… Cùng với tổ chức tuyên truyền, phát động, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, các trường cũng tiến hành tổ chức Ngày hội “Chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái” cấp cơ sở theo Công văn chỉ đạo số 1191/SGDĐT-GDTH ngày 20-9-2019 của Sở GD và ĐT để tiến tới tổ chức Ngày hội học sinh tiểu học cấp tỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 4 năm 2020 với chủ đề: “Chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái tỉnh Nam Định”. Theo đánh giá bước đầu của Ban giám hiệu các nhà trường, việc tổ chức “Ngày hội chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái” không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền mà đồng thời còn là hoạt động trải nghiệm có nội dung giáo dục sâu sắc tác động đến ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường của học sinh góp phần xây dựng ngôi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn và hạnh phúc, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần./.
Bài và ảnh: Minh Thuận