Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động

08:03, 09/03/2020

Hiện nay ở một số doanh nghiệp trong tỉnh, người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, tự tìm hiểu về pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Tỷ lệ công nhân lao động chưa nắm bắt, cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước còn cao, hạn chế đến việc tuân thủ, thực hiện, sử dụng quyền và nghĩa vụ pháp lý, nhất là hạn chế việc tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân. Trước tình hình đó, thời gian qua LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đổi mới hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Phát tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân lao động của Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).  Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Phát tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân lao động của Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). 

LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động nói chung và công nhân lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng. Nội dung tuyên truyền được lựa chọn phù hợp, có liên quan trực tiếp đến người lao động như: tuyên truyền phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn (năm 2012); Luật BHXH, BHYT, Luật Giao thông đường bộ... Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong dịp “Tháng Công nhân” gắn với các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp và hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm, tình hình tư tưởng, việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách đối với người lao động; giải quyết kịp thời những kiến nghị, vấn đề bức xúc của người lao động. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai dưới nhiều hình thức như: tư vấn lưu động, tư vấn gián tiếp hoặc kết hợp giữa tuyên truyền và tư vấn, treo pa nô, áp phích, phát tờ gấp, nói chuyện chuyên đề... Từ năm 2019 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 5 cuộc tư vấn lưu động về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn cho gần 800 công nhân lao động, giải đáp 85 câu hỏi tại hội nghị và 50 câu bằng văn bản; Văn phòng tư vấn tiến hành tư vấn trực tiếp và bằng văn bản cho 240 lượt người. Duy trì chuyên mục “Tư vấn pháp luật” trên bản tin “Lao động và Công đoàn” và trên trang thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh, phát hành 17 nghìn tờ rơi, tờ gấp “Những điều cần biết về pháp luật lao động, Luật Công đoàn, BHXH”... Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh triển khai lấy ý kiến các cấp Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động tham gia vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, tổ chức 2 hội nghị (trong đó có 1 hội nghị phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh) về lấy ý kiến của trên 200 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động và chủ doanh nghiệp tham gia dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi với gần 80 ý kiến tham gia; 213 doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành quy chế đối thoại định kỳ cho công nhân, có 300 doanh nghiệp tổ chức 435 cuộc đối thoại trực tiếp với công nhân tại nơi làm việc đảm bảo đúng, đủ nội dung và thời gian theo  quy định. Tiêu biểu như Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) hiện có gần 9.000 lao động. Từ nhiều năm nay, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp khá hài hòa, ổn định, người lao động yên tâm làm việc. Đồng chí Trần Tuyết Định, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, trong những năm qua, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ nghiệp vụ của các ngành chức năng, Công ty thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp, qua đó tuyên truyền về những điểm mới trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động... cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Những kiến thức về pháp luật lao động còn được tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống phát thanh của Công ty với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, có minh họa cụ thể để người lao động dễ nắm bắt. Nhờ đó, kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động đều được nâng cao. Công ty thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chế độ phúc lợi chính đáng cho người lao động, mức lương trung bình đạt từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, người lao động cũng đã biết chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó để hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp càng trở nên gắn bó, hài hòa, không xảy ra tình trạng đình công, lãn công.

Để hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên chất lượng, am hiểu các vấn đề về chính sách pháp luật để từ đó tuyên truyền cho người lao động hiểu và thấm nhuần chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ thông qua tài liệu mà còn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... từ đó góp phần hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com