Giải pháp thúc đẩy du lịch "qua cơn bĩ cực"

08:03, 16/03/2020

Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; trong đó nổi bật là tài nguyên du lịch văn hoá, tài nguyên du lịch tự nhiên sinh thái, tỉnh ta có nhiều yếu tố tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Năm 2019, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón trên 2,6 triệu lượt khách, tăng 3,8% so với năm 2018. Trong đó, khách tham dự lễ hội và tham quan di tích chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu khách, đạt trên 1,6 triệu lượt (chiếm 62,7% tổng lượng khách); du khách đến các khu du lịch sinh thái, du lịch biển đạt 576 nghìn lượt (chiếm 21,8% tổng lượng khách); khách công vụ kết hợp 410 nghìn lượt (chiếm 15,5% tổng lượng khách). Thu nhập từ dịch vụ du lịch ước đạt 800 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2018; doanh thu từ dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng đạt 570 tỷ đồng (chiếm 71,2% tổng doanh thu); doanh thu từ lễ hội đạt 136 tỷ đồng; doanh thu lữ hành, vận chuyển đạt 94 tỷ đồng. Tạo điều kiện thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển mạnh hơn nữa, ngày 19-6-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả các quy định, ngành Du lịch tỉnh đã tiến hành xây dựng và rà soát quy trình chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015; xây dựng thủ tục công nhận khu du lịch cấp tỉnh; xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt định hướng phát triển du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cung cấp thông tin xây dựng Đề án “Phát triển cảng thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch”. Một số hoạt động thường niên được duy trì như: Cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”, tổ chức đoàn Famtrip “Du xuân Nam Định năm 2019”…

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vắng khách trong mùa lễ hội năm nay.
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vắng khách trong mùa lễ hội năm nay.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2020, cùng với cả nước ngành Du lịch tỉnh phải chịu những tác động gây thiệt hại nặng nề từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Lượng khách đến các điểm du lịch trong tỉnh giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%. Lượng khách du lịch nước ngoài cũng giảm mạnh, đặc biệt nguồn du khách thuộc các nước Đông Á. Tình trạng khách hủy tour, hủy chỗ, hủy dịch vụ nhiều; ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là các hãng lữ hành thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra như: Công ty CP Du lịch Tasco bị hủy hơn 100 hợp đồng; Khách sạn Nam Cường, Vỵ Hoàng vắng khách trong suốt tháng 2. Dự kiến thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là khi lễ hội Phủ Dầy, mùa du lịch biển năm 2020 đang cận kề. Trước thực trạng trên, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch kịp thời đưa ra một số khuyến cáo đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19; dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các vùng đang có dịch hay có người mắc bệnh dịch; không đón khách du lịch từ vùng, lãnh thổ có dịch vào địa phương; quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe, hạn chế di chuyển đối với khách du lịch nước ngoài đã đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày theo khuyến cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền. Đối với các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch khác cần chủ động tiến hành vệ sinh, khử trùng cơ sở theo khuyến cáo và yêu cầu của cơ quan chức năng; thường xuyên cập nhật thông tin của các cơ quan chức năng hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh liên quan đến khách du lịch và chủ động có các phương án phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đảm bảo tuyệt đối an toàn, sức khỏe của khách du lịch, người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nếu có khách đến từ các vùng dịch lưu trú tại cơ sở thì phải bố trí khu vực riêng cũng như thực hiện các biện pháp y tế dự phòng khác như: đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với khách, rửa tay đúng cách; thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp theo dõi quản lý, có biện pháp y tế phù hợp, cách ly đối với khách nghi mắc bệnh dịch theo đúng quy trình. Yêu cầu khách du lịch cung cấp, khai báo lịch trình đi và đến các địa điểm cho các đơn vị chức năng, phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát dịch. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần chủ động cách ly, theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người đã sống ở vùng có dịch và thông báo ngay với y tế địa phương hoặc số điện thoại đường dây nóng về triệu chứng, lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây và những người đã tiếp xúc để có biện pháp hỗ trợ, kịp thời cách ly, điều trị và phòng chống lây lan ra cộng đồng. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp các cơ quan chức năng thành lập đường dây nóng thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Cụ thể, Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế): 091.851.4823; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh: 090.219.1208.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đề ra một số giải pháp thích nghi, trong đó tập trung khai thác thị trường trong nước. Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải có sự liên kết mạnh mẽ để thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch nội địa; giảm giá vé vận chuyển, lưu trú, điểm đến tham quan để thu hút du lịch trong nước. Quan tâm thực hiện đầy đủ bảo hiểm du lịch cho khách bởi đây không chỉ là giải pháp giúp bảo đảm quyền lợi cho du khách mà còn giúp hạn chế những thiệt hại cho doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra. Các doanh nghiệp cần nắm chắc tình hình thị trường du lịch để có kế hoạch khai thác ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Với số lượng phòng, dịch vụ để trống trong thời gian có dịch, các doanh nghiệp du lịch có thể liên kết với nhau thông qua các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có kế hoạch giữ gìn nhân sự trong thời điểm không có khách để đảm bảo khi hoạt động trở lại có ngay lao động thông qua các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật… Tranh thủ thời điểm này tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, khẳng định Nam Định là điểm đến thân thiện, an toàn khi dịch bệnh được khống chế./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com