Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Tòa án nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết các loại án. Qua đó đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một buổi giao ban nghiệp vụ công tác xét xử của Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh. |
Đồng chí Trần Văn Kiểm, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, ngành Tòa án tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới công tác xét xử như: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho thẩm phán, thư ký; tiếp tục thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai đúng quy định của pháp luật; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; tăng cường công tác xét xử lưu động; công khai các bản án trên Trang thông tin điện tử; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc đến Tòa án… Trong đó, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân hai cấp được quan tâm, Tòa án nhân dân tỉnh đã giảm từ 8 tòa, phòng xuống còn 6 tòa, phòng; bố trí, sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo và các chức danh của Tòa án nhân dân hai cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký và hội thẩm. Nhờ vậy trình độ đội ngũ công chức Tòa án nhân dân hai cấp ngày càng được nâng cao. Đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp có 148 cán bộ, công chức, trong đó có 1 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và 108 cử nhân; 38 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị và 41 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Mặt khác, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, Tòa án nhân dân hai cấp đã thành lập Tổ Hành chính tư pháp để tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại, tố cáo và thụ lý các vụ án thuộc thẩm quyền; thực hiện công khai bản án, quyết định trên Trang thông tin điện tử của ngành để cán bộ, nhân dân giám sát, tra cứu, niêm yết công khai lịch và quy chế tiếp công dân, quy trình, quy định có liên quan đến hoạt động tiếp dân, lịch xét xử… Từ năm 2019 đến nay, đã có 4.996 bản án, quyết định các loại được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân Tối cao, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác xét xử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát hoạt động của Tòa án. Trong lộ trình cải cách tư pháp, Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo Tòa án nhân dân hai cấp tập trung thực hiện tốt công tác xét xử các loại án, duy trì nền nếp sinh hoạt, kỷ luật công vụ; tăng cường kiểm tra, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ án... Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, Tòa án tỉnh đã tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong đó, toàn ngành yêu cầu mỗi thẩm phán trong Tòa án nhân dân hai cấp lựa chọn ít nhất một vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong phạm vi nội bộ đơn vị và mỗi đơn vị trong ngành phải tổ chức một phiên tòa rút kinh nghiệm điển hình; đưa nội dung tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân trong bình xét thi đua hàng năm. Các phiên tòa rút kinh nghiệm được chọn phải là các vụ án có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Sau khi kết thúc phiên tòa, lãnh đạo Tòa án các đơn vị tổ chức ngay phiên họp rút kinh nghiệm xét xử; thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến về những kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế, thiếu sót của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, thành viên hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa; qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác xét xử các loại án, nhất là án hình sự. Qua đó, chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm từng bước được nâng cao. Từ năm 2019 đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã tổ chức 95 phiên tòa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, toàn ngành còn chú trọng công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Công an tổ chức 70 phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nhờ triển khai thực hiện các giải pháp tích cực trong công tác cải cách tư pháp nên năm 2019, mặc dù số vụ án tăng cao (gần 400 vụ so với năm 2018), tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng toàn ngành đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trong đó đã thụ lý 4.636 vụ, việc; giải quyết, xét xử 4.603 vụ, việc, đạt tỷ lệ 99,3%; chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, tỷ lệ án bị hủy chỉ còn 0,11%, tỷ lệ án sửa chỉ còn 0,10%. Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân 2 cấp trong tỉnh tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao đề ra nhằm nâng cao chất lượng, công tác xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với công tác xét xử, công tác thi hành án hình sự và tài chính - kế toán. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính tư pháp, tăng cường các phiên tòa rút kinh nghiệm và việc công bố bản án, quyết định lên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong lối sống cho cán bộ, công chức; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân và lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng