Thành phố Nam Định đẩy mạnh công tác xây dựng phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

08:02, 19/02/2020

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Nam Định luôn quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường tiếp cận pháp luật cho người dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân ngay tại cơ sở. 

Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa xã Nam Phong.
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa xã Nam Phong.

Đồng chí Hoàng Nguyên Dự, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết: Hàng năm UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Trung ương, của tỉnh về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, giao Phòng Tư pháp tổ chức biên soạn bộ tài liệu gồm: Luật tiếp cận thông tin, Quyết định 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 07/TT-BTP của Bộ Tư pháp, Sổ tay hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, và các kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp và UBND thành phố cấp phát cho thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật của thành phố, 100% cán bộ Tư pháp hộ tịch và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã để nghiên cứu, tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân. Đài phát thanh thành phố xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; các phường, xã tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị, các cuộc họp dân... Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã tổ chức 132 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 12.500 lượt người, phát hàng nghìn tài liệu, sổ tay, tờ gấp về chuẩn tiếp cận pháp luật cho công chức thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật các phường, xã. Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cán bộ và nhân dân ở cơ sở đã nhận thức, nắm bắt được mục đích, nội dung thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, UBND thành phố chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trong đó đã kiện toàn Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật thành phố. Tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và cán bộ Tư pháp hộ tịch của UBND các phường, xã trên địa bàn. Từ đó, việc thực hiện tự đánh giá UBND các phường, xã về chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo đúng quy định. Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, UBND thành phố thường xuyên thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế tại các phường, xã, qua đó đã kịp thời hướng dẫn, giải quyết vướng mắc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là đối với những phường, xã có những chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt hoặc thấp.

Tại các phường, xã việc xây dựng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được tập trung thực hiện. Điển hình như phường Văn Miếu đã tổ chức tốt các hội nghị tập huấn chuyên đề, mời báo cáo viên của Sở Tư pháp trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn về nội dung xây dựng, chấm điểm, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức biên soạn, cấp phát hàng nghìn tờ gấp pháp luật tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cũng như các nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng đô thị văn minh... Ngoài ra, việc thực hiện chuẩn tiếp cận được lãnh đạo địa phương tập trung triển khai thông qua công tác hòa giải cơ sở. Nhờ đó, các tranh chấp, xích mích tại địa bàn dân cư được tập trung giải quyết kịp thời; nhiều năm qua, phường không có tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Hay như xã Nam Phong đã quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”. Đến nay, hầu hết thủ tục, hồ sơ của người dân được giải quyết trước và đúng thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng. Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, chủ trương của xã đều được công khai để người dân theo dõi, nắm bắt và giám sát việc thực hiện. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Với việc tập trung chỉ đạo công tác xây dựng phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2019, thành phố Nam Định đã công nhận 21/25 phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 84%; trong đó các phường, xã loại I đều có điểm đánh giá chung cao trên 90%; các phường, xã loại II đều có điểm đánh giá chung đạt 80%. Đặc biệt, qua kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính các phường, xã đều đạt từ 91% trở lên. Kết quả trên đã có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của thành phố. Tuy nhiên, công tác xây dựng phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Ở một số phường, xã việc chỉ đạo thực hiện công tác này còn chậm, chưa kịp thời; việc thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật còn chưa đảm bảo; chưa chú trọng đến xây dựng các tiêu chí tiếp cận pháp luật mà chỉ chú trọng việc đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật. Công tác chấm điểm, đánh giá tiếp cận pháp luật ở một số phường, xã còn mang tính hình thức, kết quả đánh giá còn chưa thực sự phản ánh đúng với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, hướng tới mục tiêu 100% phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức, của cấp ủy, chính quyền về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá tiếp cận pháp luật, trên cơ sở đó xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các phường, xã trong việc xây dựng xã, phường bảo đảm việc tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở... để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các phòng, ban, ngành có liên quan, các thành viên của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong việc xây dựng và cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai thực hiện, đồng thời biểu dương nhân rộng điển hình làm cho đội ngũ công chức và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com