Thời gian qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công an xã Nam Hùng (Nam Trực) trao đổi nghiệp vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. |
Bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 12 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác an ninh trật tự; Quy định về sự phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các huyện, thành ủy trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; ban hành “Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; “Quy chế phối hợp công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy”... Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, đối với một số vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự được dư luận xã hội quan tâm, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với các địa phương, cơ quan chức năng để định hướng, chỉ đạo giải quyết kịp thời, ổn định tình hình. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng trong tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy đã phân công các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, Thành ủy phụ trách công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đã tăng cường sự giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Nhà nước trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan trong khối nội chính đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đã khám phá nhanh vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận đánh giá cao. Công tác cải cách tư pháp được quan tâm, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoàn thành tốt nhiệm vụ, không oan sai, giảm sai, giải quyết tốt án dân sự, hành chính; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường theo hướng đối thoại trực tiếp với dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ, thông qua việc công khai, minh bạch hoạt động, siết chặt kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quản lý đất đai… Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trên các lĩnh vực nhạy cảm để kịp thời phát hiện nhằm ngăn chặn và xử lý những sai phạm có nguy cơ trở thành hành vi tham nhũng. Trong năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện 3 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các đảng bộ trực thuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngành thanh tra đã triển khai 35 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tại các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành 387 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, qua thanh tra phát hiện các sai phạm, đã xử lý kinh tế với số tiền trên 8 tỷ 944 triệu đồng. Đặc biệt, việc phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với hành vi tham nhũng được tập trung thực hiện. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tập trung khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 23 vụ án tham nhũng. Kết quả đã xử 14 vụ án, đang điều tra, truy tố 9 vụ án. Qua đó, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của đảng, chính sách pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản trong quản lý Nhà nước theo quy định; thực hiện tốt quy chế dân chủ; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Duy trì nền nếp và chủ động trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu, thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng theo hướng tinh gọn, đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng