Thực hiện Quyết định 329/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GD và ĐT xác định mục tiêu: Việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc giúp khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hoá của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình thích nghi và hội nhập toàn cầu. Đối với giáo dục phổ thông, xây dựng và phát triển văn hoá đọc chính là hình thành thói quen và phương pháp đọc sách cho học sinh. Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo các Sở GD và ĐT triển khai nhiệm vụ xây dựng văn hoá đọc và phát triển các mô hình thư viện tiên tiến trong trường học nhằm giúp học sinh hình thành kỹ năng, phương pháp và thói quen đọc, qua đó rèn cho các em có ý thức và kỹ năng học tập suốt đời.
Thư viện Trường THCS Trực Nội (Trực Ninh) được tổ chức theo mô hình "Cảm ơn thư viện nhỏ". |
Xác định được tầm quan trọng của thư viện nhà trường đối với phát triển văn hoá đọc trong học sinh, những năm qua, Sở GD và ĐT và các địa phương, các nhà trường đã chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện phù hợp với hoạt động của học sinh. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (kệ sách, bàn ghế, đèn chiếu sáng) cho thư viện trường học, các chủng loại sách phù hợp với học sinh như sách truyện, sách tham khảo và sách bổ trợ các kỹ năng cho học sinh cũng được nhiều nhà trường quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT cũng quan tâm đào tạo bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên thư viện nhà trường về các nội dung: Thiết lập và quản lý thư viện, kỹ thuật, nghiệp vụ thư viện trường học, tổ chức các hoạt động thư viện trường học và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động thư viện trường học. Sở GD và ĐT phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước xây dựng đa dạng các mô hình thư viện phù hợp với điều kiện cụ thể như Thư viện thân thiện, Thư viện xanh; tổ chức các chương trình thiện nguyện, chương trình hỗ trợ, chương trình “Tủ sách nhân ái”, chương trình “sách hoá nông thôn”, chương trình “làm bạn với sách” để huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các nhà trường kinh phí sửa chữa, nâng cấp thư viện; trang thiết bị (bàn ghế, giá sách, tủ sách…), sách báo. Từ nỗ lực trên, rất nhiều thư viện trường học truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được thay đổi hình thức và phương thức hoạt động, trở thành “điểm đến” ngoài giờ học được mong chờ của rất nhiều học sinh. Tuỳ thuộc điều kiện mỗi trường học, mỗi địa phương, thư viện được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như thư viện lớp học (thư viện đặt ở trong phòng học); thư viện di động (loại hình thư viện có thể di chuyển được mọi lúc, mọi nơi trong khuôn viên trường học); thư viện xanh (thư viện được thiết kế trong vườn cây xanh hay sân trường đủ bóng mát, có cảnh quan thân thiện giúp học sinh tiếp cận sách dễ dàng, sách được phân loại theo trình độ đọc tương ứng của từng lứa tuổi, được sắp xếp khoa học, hấp dẫn, dễ tìm, dễ lấy… Đây là những hình thức đổi mới thư viện nhằm tạo không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị... Một số mô hình thư viện trường học tiên tiến đang được triển khai hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình “Thư viện thân thiện” Room to Read đang triển khai tại 25 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; mô hình “Thư viện xanh” đang triển khai tại các trường: THCS Nam Cường, THCS Nam Hồng, THCS Đồng Sơn, THCS Điền Xá, Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực); mô hình “Cảm ơn thư viện nhỏ” (Thank you Small Library) đang triển khai tại 3 trường: THCS Đào Sư Tích, THCS Trực Nội, THCS Trực Hưng (Trực Ninh)... Các mô hình thư viện này đã và đang là “công cụ” đắc lực trợ giúp hiệu quả việc hình thành thói quen đọc sách, khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực), cùng với triển khai mô hình “Thư viện thân thiện” (Room to Read) tại 2 điểm trường với diện tích mỗi phòng đọc là 50m2 có thể chứa được 30-40 học sinh; trường cũng triển khai mô hình “Thư viện xanh” trên diện tích 520m2 có mái che, bàn ghế, tủ sách, các góc viết, vẽ, tra cứu, trò chơi, xích đu cho học sinh ngồi đọc và phát triển tư duy theo năng lực người đọc, có thể chứa được 100 học sinh. 2 mô hình thư viện này đã được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh. Hàng nghìn đầu sách, báo, tạp chí được nhà trường luân chuyển giữa 2 thư viện đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, báo, giúp các em phát triển tư duy, giảm bớt căng thẳng sau những giờ học trên lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Từ kết quả ban đầu đạt được của các mô hình thư viện tiên tiến, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố đã chỉ đạo triển khai nhân rộng ra các trường học trên toàn tỉnh trong những năm học tiếp theo nhằm xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong các trường học trên cơ sở tự nguyện tham gia của các đơn vị; trong đó, tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đến các cấp quản lý, giáo viên, cán bộ thư viện, cha mẹ học sinh và cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của việc hình thành rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh; phối hợp với các đơn vị, tổ chức khác để tuyên truyền xây dựng văn hoá đọc trong nhà trường cũng như trong cộng đồng. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thư viện nhà trường có trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề. Đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, mở rộng không gian đọc thông qua các hình thức thư viện khác nhau, phù hợp thực tiễn địa phương nhằm tạo hứng thú đối với học sinh. Tổ chức các hoạt động thư viện linh hoạt, sáng tạo thông qua các hình thức và nội dung hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn từng địa phương. Duy trì thường xuyên các hoạt động giới thiệu sách mới; tổ chức Ngày hội đọc sách có sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về việc cần thiết xây dựng văn hoá đọc cho học sinh, góp phần xây dựng cộng đồng đọc sách./.
Bài và ảnh: Minh Thuận