Trường Tiểu học Nam Thanh, xã Nam Thanh (Nam Trực) gồm 2 điểm trường cách nhau 2,5km. Nhà trường có 27 lớp với 762 học sinh và 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường đã xây dựng mô hình trường học sinh thái. Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức quán triệt đến toàn thể giáo viên, học sinh về mục đích, yêu cầu của mô hình, khảo sát thực tế các hoạt động có liên quan tác động đến việc xây dựng mô hình, sau đó tổ chức họp thảo luận lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên và học sinh về xây dựng mô hình; thống nhất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình trường học gắn với việc duy trì trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nhà trường đã triển khai các hoạt động như: Tiếp tục trồng cây ăn quả, trồng cây bóng mát phủ xanh khuôn viên trường. Xanh hóa và giữ gìn, chăm sóc các khu vườn chức năng phục vụ học tập bằng các cây địa phương, cây các vùng miền. Xanh hóa lớp học; tiến hành xây dựng thư viện thân thiện, thư viện ngoài trời theo mô hình Room to read; giáo dục học sinh biết bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; bảo vệ nguồn tài nguyên, thiên nhiên; giáo dục học sinh biết vệ sinh sạch sẽ và bảo vệ sức khỏe; tổ chức thực hiện dạy học gắn liền với trải nghiệm và rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua các tiết học ngoài không gian lớp học, trải nghiệm sáng tạo ngoài vườn trường, sân trường...; tổ chức các hoạt động cùng cộng đồng làm vệ sinh môi trường trong trường, ngoài trường, thôn xóm; tổ chức Ngày hội Sinh thái; sử dụng vật liệu phế thải để tái chế sản phẩm STEM phục vụ cho việc dạy và học. Sau 5 tháng triển khai thực hiện, nhà trường đã có cảnh quan với không gian môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn theo hướng hiện đại, trường có các khu vườn rau, hoa, cây giống,… để tổ chức các hoạt động dạy và học, giúp học sinh hứng thú với các tiết học và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn qua các tiết học gắn với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng sống và bảo vệ môi trường. Mô hình Room to read giúp học sinh thích đến thư viện, rèn thói quen đọc sách mỗi ngày. Nhiều học sinh đã có ý thức tiết kiệm nước, nói “không” với ăn quà vặt, vứt rác bừa bãi, không dùng bóng bay vào các ngày lễ lớn và mít tinh trong trường để bảo vệ môi trường. Giáo viên, học sinh tích cực tham gia vào hoạt động Ngày Chủ nhật xanh làm sạch, đẹp trong và ngoài nhà trường. 100% học sinh các lớp sử dụng vật liệu phế thải làm các sản phẩm STEM tái chế, STEM khoa học để phục vụ dạy và học. Nhà trường có sản phẩm STEM khoa học “Mô hình cây cầu quay” được trưng bày tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Câu lạc bộ học sinh của trường tham gia giao lưu Ngày hội sinh thái cấp huyện năm 2019 đạt kết quả xuất sắc. Cô giáo Ngô Hồng Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua việc thực hiện mô hình trường học sinh thái, nhà trường nhận thấy chất lượng giáo dục toàn diện “học đi đôi với hành” cho học sinh được nâng cao rõ rệt. Quá trình học sinh được tham gia cùng thầy cô giáo xây dựng trường học sinh thái giúp các em nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, từ đó trở thành các tuyên truyền viên tác động tích cực đến nhận thức của cha mẹ học sinh và cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh Trường Tiểu học Nam Cường. |
Huyện Nam Trực hiện có 21 trường tiểu học. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD và ĐT về nhiệm vụ năm học 2019-2020, các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều nghiêm túc triển khai xây dựng kế hoạch và thực hiện mô hình trường học sinh thái. Nhiều trường có cách làm sáng tạo như: Nam Thanh, Điền Xá, Nam Mỹ, Nam Tiến… Trong đó, để xây dựng mô hình trường học sinh thái, các trường đều đánh giá mô hình tạo ra môi trường học tập thân thiện, tạo không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, khắc phục kiểu “học chay”, lý thuyết suông ngay từ bậc học nhỏ, giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức kỹ năng sống, bổ sung về kiến thức thực tế, vốn sống. Các em học sinh còn được phát triển khả năng sáng tạo của cá nhân, phát triển khả năng hợp tác, làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng. Mô hình giúp học sinh phát triển một cách toàn diện về tri thức, sức khỏe và các kỹ năng sống. Qua việc các em được học và thực hành ngoài thiên nhiên, tìm hiểu, quan sát môi trường sống của thực vật, động vật trong thiên nhiên giúp khắc sâu kiến thức và rèn kỹ năng trong các môn học; giáo viên lồng ghép trang bị các kiến thức giáo khoa cho học sinh với giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; giáo dục học sinh có động cơ, ý thức đúng đắn khi tham gia lao động; biết yêu quý, trân trọng thành quả lao động, có thái độ hợp tác thân thiện với thầy, cô, bạn bè, bảo vệ môi trường xung quanh...
Từ kinh nghiệm các trường tiểu học đã thành công trong xây dựng mô hình trường học sinh thái ở Nam Trực cho thấy để đảm bảo cho việc xây dựng thành công mô hình trường học sinh thái cấp tiểu học nói riêng và các cấp học nói chung, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu các nhà trường cần quán triệt triển khai hướng dẫn thực hiện mô hình; tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa việc xây dựng mô hình đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, thống nhất, tích cực tham gia xây dựng mô hình. Biên soạn cụ thể tài liệu, bộ phiếu tiêu chí, kế hoạch dạy học trải nghiệm, tổ chức giờ học thực hành các môn học; huy động các nguồn lực ngoài nhà trường tham gia vào mô hình; xây dựng kế hoạch để tích hợp nội dung dạy học gắn với thực tiễn mô hình khi xây dựng kế hoạch giáo dục chung nhằm tạo hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hiện./.
Bài và ảnh: Minh Thuận