Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động từ tháng 1-2008 thu hút nhiều tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chia sẻ tinh thần, vật chất, giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ngân hàng Sacombank tặng quà các đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn thành phố Nam Định dịp Tết Canh Tý 2020. |
Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội CTĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc vận động đến với người dân như: Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự, bài phản ánh về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động; lồng ghép trong các buổi hội nghị, hội thảo; treo băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi; khảo sát đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để lập hồ sơ các địa chỉ cần giúp đỡ, giới thiệu địa chỉ đã được khảo sát đến các đơn vị, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đăng ký, giúp đỡ lâu dài, bền vững... Năm 2019, toàn tỉnh đã khảo sát và lập hồ 668 địa chỉ, trợ giúp 563 địa chỉ cho 1.210 người, trị giá gần 2 tỷ đồng. Những địa chỉ này hầu hết là nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Tiêu biểu như Hội CTĐ huyện Hải Hậu lập hồ sơ 144 địa chỉ nhân đạo, đã trợ giúp thường xuyên 130 địa chỉ cho 429 người với số tiền trên 770 triệu đồng. Hội CTĐ huyện Nghĩa Hưng lập hồ sơ 93 địa chỉ nhân đạo, đã trợ giúp 36 địa chỉ cho 36 người, trị giá 79,2 triệu đồng. Hội CTĐ huyện Nam Trực lập hồ sơ 83 địa chỉ nhân đạo, đã trợ giúp 64 địa chỉ cho 64 người. Hội CTĐ thành phố Nam Định lập hồ sơ 87 địa chỉ nhân đạo, trợ giúp 74 địa chỉ cho 74 người, trị giá trên 107 triệu đồng... Bên cạnh công tác lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo, Hội CTĐ các cấp phối hợp với các đơn vị, nhà hảo tâm triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. Hình thức trợ giúp chủ yếu là tổ chức bếp ăn tình thương cho học sinh hàng ngày; tổ chức bữa ăn dinh dưỡng cho người cao tuổi; tổ chức bữa ăn từ thiện cho bệnh nhi; hỗ trợ hàng tháng bằng tiền mặt cho gia đình khó khăn; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tốt; chăm lo cho hộ nghèo dịp lễ, Tết; xây tặng nhà tình thương, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, trao quà, tặng xe lăn, xe lắc, phương tiện sinh kế, sổ tiết kiệm, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo, hỗ trợ vốn sản xuất và phát triển chăn nuôi, học nghề tạo việc làm cho người nghèo… Kết quả, năm 2019, các cấp Hội trợ giúp 51.429 lượt người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng khác trị giá trên 22 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Tỉnh Hội trợ giúp 831 lượt người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, tổng trị giá 492 triệu đồng. Hội CTĐ huyện Xuân Trường phối hợp với các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà trị giá trên 993 triệu đồng cho 3.514 lượt người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bị phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ Nhà nước. Hội CTĐ huyện Hải Hậu trợ giúp 2.078 người, trị giá 902,7 triệu đồng. Hội CTĐ Nghĩa Hưng tổng trợ giúp 512 người trị giá 275 triệu đồng. Các cấp Hội CTĐ huyện Giao Thủy phối hợp với các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà trị giá 366,4 triệu đồng cho 1.430 người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người bệnh. Các cấp Hội CTĐ huyện Nam Trực vận động trợ giúp 1.590 lượt người nghèo, gia đình liệt sĩ, hộ cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền và quà trị giá 343 triệu đồng. Hội CTĐ thành phố Nam Định trợ giúp 968 người, trị giá 324,5 triệu đồng… Cùng với các các hoạt động trợ giúp đúng đối tượng, đúng địa chỉ, để Cuộc vận động được triển khai rộng rãi đến nhiều đối tượng trong xã hội, các cấp Hội CTĐ còn xây dựng nhiều mô hình hoạt động xã hội nhân đạo thiết thực như: Mô hình hỗ trợ nhà CTĐ, bếp ăn tình thương, ngân hàng bò, cấp sổ trợ cấp, cấp gạo, học bổng; triển khai chương trình “Cặp lá yêu thương”, “Đồng hành cùng em đến trường”… Thông qua các mô hình đã giúp hàng nghìn lượt bệnh nhân được hỗ trợ bữa ăn miễn phí; xây hàng trăm ngôi nhà CTĐ; trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm sẻ áo”. Cụ thể, trong năm 2019, các cấp Hội đã xây mới 6 ngôi nhà CTĐ, trị giá 220 triệu đồng; tặng 71 sổ tiết kiệm cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có thể nói, với việc thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã thể hiện được vai trò là cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó khơi gợi, phát huy tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tình yêu thương, lòng nhân ái giữa con người với con người.
Thời gian tới, Hội CTĐ các cấp tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó, Hội CTĐ các cấp tập trung khảo sát, nắm chắc nhu cầu cần trợ giúp của từng đối tượng; xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực theo từng năm, nắm bắt thông tin nhà tài trợ tiềm năng để định hướng hình thức trợ giúp cho các đối tượng mang tính thiết thực, bền vững./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân