Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, có mật độ dân cư cao. Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng ngày càng gia tăng với nhiều món ăn đa dạng, phong phú, tiện lợi, giá cả phải chăng. Thức ăn đường phố trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 1.647 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có 1.114 cơ sở dịch vụ ăn uống, dịch vụ thức ăn đường phố (thành phố quản lý 175 cơ sở, phường, xã quản lý 939 cơ sở). Xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, đối với thức ăn đường phố nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, UBND thành phố Nam Định tập trung chỉ đạo các phòng, ban, UBND các phường, xã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 13 ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 10, ngày 19-7-2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nam Định. Thành phố tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố là trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các mặt công tác, phụ trách địa bàn phường, xã theo chức năng, nhiệm vụ của ngành trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo 25 phường, xã kiện toàn Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 13 đến tất cả các phường, xã, các ngành, đoàn thể của thành phố, các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Công tác tuyên truyền được thành phố thực hiện thường xuyên và tăng cường hơn vào các dịp cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân, trong Tháng hành động vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, Tết Trung thu và lễ hội Đền Trần tháng Tám. Nội dung tuyên truyền bám sát chủ đề về an toàn thực phẩm hàng năm, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND tỉnh; giới thiệu các tập thể, cá nhân, cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời công khai các cơ sở vi phạm. Trong 3 năm qua, thành phố đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức 26 hội nghị truyền thông về an toàn thực phẩm tại 25 phường, xã cho 2.520 lượt người; tổ chức các hội thi, nói chuyện chuyên đề về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thái độ thực hành về an toàn thực phẩm, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất kinh doanh bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. 3 năm qua, 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện 10 nội dung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với UBND phường, xã. Người tiêu dùng cũng nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tự bảo vệ sức khỏe của chính mình. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thành phố tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm, quan tâm đầu tư kinh phí phục vụ công tác an toàn thực phẩm. Ba năm qua, thành phố đã tổ chức 13 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho 1.300 lượt người làm công tác quản lý các cơ sở thực phẩm, người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Hàng năm thành phố thành lập 27 đoàn kiểm tra, gồm: 2 đoàn cấp thành phố (Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố; Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm) và 25 tổ kiểm tra liên ngành của phường, xã tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Ba năm qua, các đoàn đã kiểm tra 2.351 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố và tại khu vực lễ hội Đền Trần (thành phố kiểm tra 225 cơ sở; phường, xã kiểm tra 2.126 lượt cơ sở). Qua kiểm tra cho thấy đa số các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố đã chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm và ý thức được tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao trách nhiệm trong khâu cung ứng thực phẩm an toàn cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí an toàn thực phẩm. Vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình chế biến thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh rãnh thoát nước, diện tích kinh doanh chật hẹp, nơi bán hàng chung với nơi sinh sống của gia đình… Mặt khác, chính người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Các đoàn kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 18 cơ sở các lỗi về điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm; phạt tiền 38,4 triệu đồng, tạm dừng hoạt động 2 cơ sở.
Với các biện pháp đồng bộ, công tác an toàn thực phẩm của thành phố Nam Định được đảm bảo, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ ngành Y tế và các đơn vị liên quan, tiến hành lồng ghép công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố với công tác bảo đảm an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm, trang bị đủ phương tiện, thiết bị kiểm tra, xét nghiệm để tổ chức thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm kịp thời và hiệu quả./.
Minh Tân