Mấy tháng gần đây, thị trường thịt lợn tăng giá lên cao kéo theo các loại thực phẩm khác tăng theo, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân, nhất là các đối tượng nghèo là công nhân, sinh viên bị ảnh hưởng.
Thực phẩm tăng giá khiến người tiêu dùng phân vân khi lựa chọn bữa ăn cho gia đình. |
Hơn 11 giờ trưa, quán cơm đối diện cổng Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nam Định lác đác có vài ba sinh viên đến ăn cơm. Chủ quán cơm than thở: “Mấy tháng trước, vào giờ này sinh viên xếp hàng mua cơm ra tận cửa. Giờ giá cả đắt đỏ, từ các loại gia vị cho đến gạo, thịt, cá… đều đội giá, mỗi suất cơm phải tăng từ 15 lên 20, 25 nghìn đồng” nên số lượng khách giảm đáng kể. Trong thời “bão giá”, sinh viên thường chọn chỗ nào cơm rẻ thì ăn, không cần biết có đảm bảo vệ sinh hay không? Nhiều sinh viên chỉ ăn một bữa cơm còn một bữa ăn mỳ tôm hoặc xôi. Giá thực phẩm tăng cao kéo theo những thực phẩm khác cũng tăng giá liên tục khiến nhiều sinh viên lao đao. “Đối với những bạn gia đình khá giả thì chắc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, còn phòng bọn em ở 3 người, sau khi thịt lợn tăng giá gấp 2 lần bọn em không mua thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày nữa - Nguyễn Thanh Thảo, sinh viên Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nam Định chia sẻ. Không chỉ những sinh viên có thói quen tự nấu ăn tại nhà bị ảnh hưởng, mà những sinh viên hay ăn cơm tại hàng quán cũng phải chịu tăng giá, khi mỗi đĩa cơm, bát bún... đều đắt thêm mấy nghìn đồng. Đương nhiên, chủ quán giải thích do thực phẩm tăng giá nên họ không thể không tăng giá phần ăn lên chút ít(!).
Không chỉ với sinh viên, nhiều công nhân nghèo cũng đang phải đối mặt với giá cả khi tiền lương còn hạn chế. Vợ chồng chị Tâm là công nhân tại một công ty may ở Khu công nghiệp Hòa Xá tranh thủ rẽ vào chợ Mỹ Trọng mua đồ ăn cho bữa cơm tối. Vòng qua khu chợ một lượt, cuối cùng chị quyết định mua 3 bìa đậu và 5 quả trứng vịt cùng vài mớ rau. Chị Tâm chia sẻ: “Giá thịt lợn cao quá, với mức lương của bọn em như hiện tại, nếu tháng nào không tăng ca thì cũng chỉ đủ tằn tiện chi tiêu hàng ngày, gửi chút ít về quê để chi tiêu cho con gái đang ở với bà nội và trả tiền nhà trọ, nên chúng em chỉ dám mua thực phẩm đơn giản vậy thôi”. Là đối tượng chịu tác động và ảnh hưởng rất lớn từ việc thực phẩm tăng giá, nhiều công nhân đang thực sự lo lắng khi giá thuê phòng trọ và các mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng theo. Khảo sát tại các khu nhà trọ gần các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong bữa ăn của nhiều gia đình công nhân, các món chế biến từ thịt lợn xuất hiện ít hơn hẳn so với trước đây. Phần lớn công nhân đều than, từ khi thịt lợn tăng giá, mỗi lần đi chợ nếu mua thịt lợn họ đều phải “đắn đo” cân nhắc vì giá cả quá cao trong khi mức thu nhập của công nhân thì vẫn vậy. Nhiều công nhân được ngày nghỉ cuối tuần lại tranh thủ về quê “gom” rau hoặc nhờ bố mẹ gửi theo xe khách để giảm chi phí cho bữa ăn.
Càng gần Tết Nguyên đán 2020, giá cả các mặt hàng thực phẩm càng tăng. Theo khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Nam Định, giá một số loại thịt động vật khác như thịt bò, thịt gà cũng tăng từ 10-20 nghìn đồng/kg, trứng, tôm tăng 5-10%; các loại rau củ quả cũng tăng từ 3-5%; riêng giá thịt lợn tăng gấp 2,5 lần so với trước, mức cao “kỷ lục” trong những năm gần đây. Giá thực phẩm tăng đã gây áp lực lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Để ứng phó với tác động của cơn “bão giá”, bên cạnh việc trông chờ sự “cứu viện” của gia đình, nhiều sinh viên phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm như: cắt giảm chi tiêu không cần thiết, tìm việc làm thêm… để tăng thu nhập. Công nhân cũng đang “vào mùa” tăng ca, tuy vất vả nhưng ai nấy đều cố gắng để có thể “bù” vào khoản chi tiêu cho bữa cơm gia đình và chuẩn bị cho cái tết đang cận kề./.
Bài và ảnh: Hồng Minh