Những làng quê hiếu học

06:01, 01/01/2020

Trước thềm xuân mới, về thăm những làng quê có hàng trăm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, ta như được “tiếp lửa” tinh thần hiếu học để thêm vững niềm tin vào tương lai sự nghiệp trồng người.

Mỗi dịp đầu năm học hay đầu Xuân năm mới, không khí rộn ràng của lễ báo công, khen thưởng tại các đình làng, từ đường dòng họ ở các làng quê không chỉ thắp sáng thêm ngọn lửa hiếu học, tô thêm nét đẹp văn hoá riêng của mỗi dòng họ, thôn làng mà còn góp phần khơi dậy, gìn giữ, phát huy tinh thần hiếu học trong cộng đồng xã hội. Các làng quê hiếu học trong tỉnh đang là điểm tựa, nguồn động viên, tiếp sức cho từng gia đình, dòng họ, từng học sinh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm lo phát triển giáo dục.

Cô và trò Trường Trung học cơ sở Trực Hưng (Trực Ninh) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp.
Cô và trò Trường Trung học cơ sở Trực Hưng (Trực Ninh) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp.

Tại làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực), cứ vào ngày 4 tháng Giêng hàng năm, chi hội Khuyến học lại tổ chức phát thưởng cho các cháu chăm ngoan học giỏi, thành đạt và trợ cấp cho từ 2-4 cháu có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 15-20 triệu đồng, khen thưởng các dòng họ, tuyên dương các gia đình học tập tiêu biểu và trao quà cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học khuyến tài của địa phương. Hiện số dư quỹ của chi hội Khuyến học làng Thanh Khê lên tới 120 triệu đồng. Cả làng có 470/520 gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập” (đạt trên 90%), cả 4 dòng họ đăng ký xây dựng “Dòng họ học tập”, trong đó 370/520 gia đình đã đạt “Gia đình học tập” (đạt 71,15%), 3 trong 4 dòng họ đạt “Dòng họ học tập (75%). Theo thống kê của chi hội Khuyến học làng, làng hiện có hàng chục người con quê hương trưởng thành từ phong trào khuyến học khuyến tài của địa phương là các nhà doanh nghiệp, cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, các nhà khoa học, 13 giáo viên đã nghỉ hưu, 60 người đang giảng dạy tại các trường học từ mầm non đến đại học trên cả nước, có 400 người có trình độ trung cấp trở lên, trong đó có 1 giáo sư và hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ, sĩ quan quân đội, công an, nhiều gia đình có con cháu đi du học nước ngoài. Tiêu biểu như gia đình Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, đại tá Đoàn Huy Hậu, Học viện Quân y, có 7 con đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 tiến sĩ, 3 thạc sĩ... Làng Thanh Khê được công nhận “Cộng đồng học tập” vào tháng 12-2018. Có được kết quả trên, phong trào khuyến học khuyến tài từ xưa đã được dân làng quan tâm. Hội Tư văn của làng được thành lập từ rất sớm để suy tôn việc khuyến học khuyến tài, thu hút đông đảo người dân tham gia, do vậy đời nào làng cũng có người đỗ đạt. Ngày nay dân trong làng luôn phát huy truyền thống học tập của các bậc tiền nhân chăm lo cho con cháu ăn học thành tài. Hàng năm cứ đến ngày Đông chí, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ tế các vị sáng lập ra “đạo học” và biểu dương con em trong làng học hành đỗ đạt…

Nam Ngoại là 1 trong 7 làng thuộc xã Trực Mỹ (Trực Ninh) được hình thành vào thế kỷ XVI. Trải qua hơn 400 năm phát triển, người dân Nam Ngoại không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, tương thân tương ái, xây dựng cuộc sống giàu đẹp. Sử làng lưu truyền rằng thời xưa, cả xã có 4 cụ thi đỗ Tú tài thì làng có tới 3 cụ Tú và 4 sắc phong vua ban cho các cụ tổ của làng. Ngày nay con cháu trong làng đã có hàng trăm người tốt nghiệp đại học, cao học, trong đó có 2 tiến sĩ, 22 thạc sĩ; 365 gia đình trong làng đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Có được kết quả trên, người dân làng Nam Ngoại luôn biết phát huy truyền thống hiếu học của tiền nhân chăm lo cho con cháu học hành thành đạt. Từ nhiều năm nay trong làng không có học sinh bỏ học, 100% các cháu đến tuổi đều được theo học từ mầm non đến trung học phổ thông, 80% học sinh trong làng được công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, 80% học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Quỹ khuyến học được nhân dân trong làng chăm lo đóng góp hàng năm với mức 8.000 đồng/hộ để làng tổ chức phát thưởng mỗi năm 2 đợt cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập, vượt khó vươn lên học tốt. Nhiều dòng họ trong làng có quỹ khuyến học lên tới hàng chục triệu đồng như: Dòng họ Đoàn có quỹ 65 triệu đồng, dòng họ Vũ có quỹ 55 triệu đồng, dòng họ Vũ Đức có quỹ 30 triệu đồng, dòng họ Vũ Giáo có quỹ 30 triệu đồng… Đến nay làng đã có 6 dòng họ: Đoàn, Vũ, Vũ Giáo, Trần, Nguyễn, Đỗ được UBND huyện tặng bức trướng khuyến học khuyến tài, trong đó riêng dòng họ Đoàn đã 2 lần được Trung ương Hội Khuyến học tặng Bằng khen. 

Xóm Nguyễn Ước là điển hình trong phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của xã Hải Tân và huyện Hải Hậu. Phong trào học tập trong xóm được phát động và duy trì thường xuyên tới mọi người, mọi nhà, dòng họ, cộng đồng, qua đó tích cực động viên người người, nhà nhà ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học để hàng năm tổ chức phát thưởng cho các cháu học sinh chăm ngoan học giỏi từ cấp học mầm non đến đại học. Các cháu: Trần Ngọc Diễm, Nguyễn Tường Vy, Phạm Anh Thư… năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và đoạt giải cấp huyện, tỉnh. Quỹ khuyến học của xóm không phải huy động đóng góp mà chủ yếu từ sự tự nguyện ủng hộ của các đảng viên, hội viên các đoàn thể. Từ năm 2016 đến nay, xóm đã khen thưởng cho các cháu học sinh vượt khó chăm ngoan học giỏi với tổng số tiền lên tới vài chục triệu đồng. Nhiều dòng họ trong xóm có quỹ khuyến học cao góp phần thúc đẩy sự học trong dòng họ phát triển mạnh như dòng họ Lê, dòng họ Nguyễn, dòng họ Trần, dòng họ Phạm… Nhiều gia đình học tập tiêu biểu như gia đình các ông: Lê Văn Tiên, Ngô Văn Dinh, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Sinh, Phạm Văn Đợi, Lê Thanh Toan. Xóm đã có 100% gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình học tập”. 100% học sinh trong xóm được đi học từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông. Trong số học sinh đỗ trung học phổ thông có tới 95-98% cháu thi đỗ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Từ năm 2016 đến nay, chi hội khuyến học xóm đã mở 12 lớp học tập cộng đồng, mỗi lớp từ 25-30 người tham gia để phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện xóm đã đạt “Cộng đồng học tập tiêu biểu”.

Đó là 3 điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang lan rộng ở các làng quê trong tỉnh. Với truyền thống, thế mạnh riêng, mỗi làng quê hiếu học đang có những cách làm thiết thực, hiệu quả, tạo nên sự phong phú của phong trào khuyến học khuyến tài các địa phương. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 3.222/3.916 thôn, làng đăng ký xây dựng “Cộng đồng học tập” (đạt 82%) và có 2.585 thôn, làng được công nhận “Cộng đồng học tập” (đạt 66%). Công tác khuyến học khuyến tài đã và đang lan rộng, tạo động lực tích cực chăm lo cho “sự học” của các thế hệ tương lai, góp phần xây dựng thành công xã hội học tập./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com