Hàng năm, cứ mỗi dịp cuối năm, nguy cơ mất an toàn trường học là vấn đề được các đơn vị, trường học và cả xã hội quan tâm. Trong đó tiềm ẩn nhiều nhất vẫn là hiện tượng học sinh sử dụng pháo nổ, đồ chơi có tính bạo lực và vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Trực Nội (Trực Ninh) tìm hiểu biển báo giao thông đường bộ. |
Thời gian gần đây, nhiều người dân tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Thánh Tông (thành phố Nam Định) đánh giá cao việc Trường Tiểu học Chu Văn An triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Đây là hoạt động giáo dục rất ý nghĩa cho các em học sinh và các bậc phụ huynh về nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông và chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Chị Phượng, một người dân ở gần khu vực trường cho biết: “Trước đây, mỗi khi đến giờ tan học, trước cổng trường, một số lượng lớn người và phương tiện tham gia giao thông nên tiểm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao và đã không ít lần bị ùn tắc giao thông khi các bậc phụ huynh cùng lúc đến đón con và để xe dưới lòng đường. Sau thời gian triển khai mô hình, hiện tại sau mỗi giờ tan trường, phụ huynh đều có ý thức xếp xe thẳng hàng, ngay ngắn hai bên cổng trường dọc theo tường rào, không còn cảnh ùn tắc, chen lấn như trước đây”. Từ đầu năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh quán triệt phụ huynh và học sinh tuân thủ luật an toàn giao thông cũng như thực hiện văn hóa: “xếp hàng đón con”. Theo đó, phụ huynh đưa, đón con sẽ đỗ xe sát cổng trường, tạo thành hàng lối ngay ngắn, không có tình trạng đỗ xe giữa đường hay ngay trước cổng trường. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng triển khai việc phân luồng cho học sinh ra về bằng cổng chính hoặc cổng phụ; giáo viên hướng dẫn các em học sinh (đối với trẻ được bố mẹ đưa đón) xếp thành hàng bước ra cổng. Sau khi thực hiện hiệu quả ở hai Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ và Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định), mô hình trên đã lan tỏa khắp các trường học trong tỉnh và trở thành nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông ở các cổng trường. Đoàn Thanh niên, Liên Đội các trường tiểu học, trung học cơ sở thực hiện tốt việc hướng dẫn học sinh di chuyển theo hàng lối, không tụ tập, đùa nghịch nơi cổng trường; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; hướng dẫn các bậc phụ huynh khi đưa, đón học sinh phải đậu, đỗ xe đúng nơi quy định; không để các xe mua, bán hàng rong tụ tập trước cổng trường... Bên cạnh đó, để phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh, các văn bản liên ngành về phối hợp lực lượng, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng kế hoạch “an toàn trường học” và triển khai xuống các trường. Đến nay, một trong những phương thức hoạt động có hiệu quả nhất của các nhà trường là phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”. Để thực hiện phong trào này, các trường học đã coi trọng công tác giáo viên chủ nhiệm lớp. Hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm các lớp đều tổ chức phân loại đạo đức, học lực của học sinh, sinh viên, nắm bắt những biểu hiện không bình thường của các em để có biện pháp uốn nắn kịp thời. Đặc biệt, nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp đã thành công trong công tác xây dựng, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, cán bộ Đội để cùng xây dựng lớp học tự quản. Với gần 600 đội thanh niên xung kích và hàng trăm câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, Đội Thiếu niên Sao đỏ và trên 2.000 tổ, nhóm tự quản tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đã góp phần đảm bảo an toàn tại các nhà trường. Bên cạnh đó, đội ngũ bảo vệ chuyên trách ở các nhà trường cũng được tăng cường, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó chặt chẽ với lực lượng an ninh cơ sở, góp phần làm trong sạch địa bàn khu vực trường học. Nhiều hợp đồng an ninh giữa nhà trường và công an địa phương được ký kết và phối hợp hoạt động có hiệu quả. Công an các cấp đã giúp đỡ các nhà trường kinh nghiệm phòng ngừa tội phạm, giải quyết những “điểm nóng”, nhất là các vụ việc xảy ra ngoài khu vực nhà trường; phối hợp với các trường quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú, quản lý học sinh trên đường đến trường và từ trường về nhà. Nhờ vậy, các vụ học sinh đánh nhau đã được các trường và các lực lượng chức năng ở địa phương phòng ngừa và xử lý kịp thời.
Để bảo đảm tốt an ninh trật tự trong các nhà trường dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trường học. Trong đó chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt chú ý các quy định về: Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, hung khí, đồ chơi có tính bạo lực; sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng pháo nổ; các quy định về an toàn giao thông đường bộ, tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết quản lý, giáo dục con em trong việc thực hiện an toàn giao thông, sử dụng pháo nổ. Đồng thời, các nhà trường cùng các tổ chức Đoàn, Đội, Hội… tăng cường phối hợp với ngành Công an, các đoàn thể tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, quản lý học sinh, sinh viên, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng đánh nhau, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng, vi phạm trật tự giao thông… Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác trực ban, tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường và trước cổng trường, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, mất trật tự, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời khi có sự việc liên quan đến nhà trường…
Với sự vào cuộc của ngành Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp của các cấp, các ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trong các trường học dịp cuối năm giúp các em học sinh được học tập trong một môi trường lành mạnh, an toàn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh