Rời tay súng, trở về với quê hương, những cựu chiến binh trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu tham gia các phong trào của địa phương, phát triển kinh tế, làm giàu và đóng góp tích cực cho xã hội. Đặc biệt, từ phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và tham gia xây dựng tổ chức.
Đầm nuôi tôm sú, cua biển của gia đình ông Trần Văn Cán, xóm 16, xã Giao An (Giao Thủy). |
Cựu chiến binh Trần Văn Cán, Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh xóm 16, xã Giao An (Giao Thủy) tiêu biểu với mô hình phát triển đầm nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nói chuyện với chúng tôi, ông Cán cho biết, năm 1977, ông nhập ngũ và được biên chế về đơn vị Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải quân. Năm 1978, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ , năm 1981 ông được phục viên. Trở về địa phương xây dựng gia đình, ông tham gia phong trào của địa phương và tập trung phát triển kinh tế. Năm 1989-1990, Nhà nước cho phép khai hoang phục hóa vùng đầm bãi ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy, ông đã vay mượn để đầu tư, nhận khoanh vùng 15ha khu vực bãi bồi ven biển. Giai đoạn đầu, ông gặp nhiều khó khăn, kinh nghiệm chưa có nhưng được sự động viên của gia đình, ông đã đầu tư nuôi ba ba với số lượng 3.000-5.000 con; nuôi 8-10 con bò sinh sản và đầu tư phát triển nuôi tôm sú, cua biển theo phương pháp quảng cảnh. Hàng năm, ông thu hoạch 2 đến 3 vụ tôm, cua/năm; năng suất bình quân 2-3 tấn. Theo ông Cán, việc nuôi tôm sú, cua biển theo phương thức thâm canh phải đầu tư điện, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, kinh phí đầu tư lớn rủi ro cao. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng ở khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Xuân thủy không cho phép phá vỡ môi trường tự nhiên. Vì vậy, ông đã cải tiến, tận dụng môi trường tự nhiên để nuôi thả tôm, cua. Điều thuận lợi nhất là áp dụng phương pháp “đánh bớt, thả bù”, tôm cua phát triển tự nhiên, không dùng thức ăn công nghiệp nên không ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng thủy sản đảm bảo. Vì vậy, từ năm 1990 đến nay, với diện tích quản lý 15ha vùng đầm, hàng năm, doanh thu của gia đình ông đạt 500-600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Vùng đầm bãi của ông tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế gia đình phát triển, ông có điều kiện tham gia ủng hộ các hoạt động phong trào của địa phương. Là Chi hội trưởng cựu chiến binh xóm 16, ông vận động hội viên tham gia dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Xóm 16 đã đạt xóm nông thôn mới vào năm 2016, vượt kế hoạch trước 1 năm. Hệ thống đường dong ngõ, xóm, các công trình hạ tầng cơ sở đều do chi Hội Cựu chiến binh tự quản. Ông tiên phong đi đầu ủng hộ phong trào của địa phương hàng chục triệu đồng/năm. Riêng năm 2019, ông ủng hộ xóm trên 10 triệu đồng để nâng cấp, tu sửa đường giao thông. Bên cạnh đó, ông tuyên truyền, vận động hội viên ủng hộ xây dựng Quỹ hội được trên 21 triệu đồng cho 5 hội viên vay với lãi suất 0,5%/tháng để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Vũ Công Dụng, hội viên cựu chiến binh xóm Phố, xã Trung Thành (Vụ Bản) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dụng Lan. Sinh ra ở vùng quê thuần nông, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 11-1978, ông nhập ngũ ở đơn vị Tiểu đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 190, Sư đoàn 345, Quân khu 3 có nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, đóng quân ở Mường Khương, Lào Cai. Tháng 5-1983, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự và được phục viên. Trở về quê hương, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông tham gia mở xưởng mộc, chuyên sản xuất bàn ghế, giường tủ… Đến năm 1995, thị trường nghề mộc kém phát triển, ông chuyển sang kinh doanh tấm lợp kim loại. Từ một cơ sở nhỏ, dần dần phát triển mở rộng kinh doanh sắt thép và tấm lợp kim loại, tôn mạ màu. Năm 2010, ông thành lập công ty để mở rộng phát triển sản xuất. Hiện công ty của ông tạo việc làm cho 12 lao động, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng, trong đó đa số là con em hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân. Để phát triển sản xuất, ông đang đầu tư mở thêm nhà xưởng, lắp đặt máy sản xuất tấm lợp tôn xốp 3 lớp và lắp máy UC xà gồ, thép hình… tạo việc làm cho nhiều lao động. Sản xuất, kinh doanh phát triển, ông Dụng có điều kiện đóng góp ủng hộ các phong trào hoạt động của địa phương, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ủng hộ làm đường giao thông thôn xóm, các công trình phúc lợi của địa phương; ủng hộ đóng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ tình nghĩa vì đồng đội, hoạt động của Hội Cựu chiến binh huyện, xã và chi hội hàng chục triệu đồng. Riêng năm 2019, ông ủng hộ đóng góp gần 40 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ của xã; trong đó ủng hộ 2 cột cờ bằng i-nốc, đỉnh hương, tu sửa chân kỳ đài.
Không chỉ tiên phong trong các phong trào thi đua, nhiều hội viên cựu chiến binh còn được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở. Cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Hoạt động tình nghĩa trong các cấp Hội được duy trì thường xuyên, hiệu quả thiết thực, bằng quỹ “Vòng tay đồng đội” và các nguồn tài trợ đã hỗ trợ 3,788 tỷ đồng và trên 4.000 ngày công lao động tự nguyện của hội viên để xây mới, sửa chữa, nâng cấp 237 nhà không an toàn cho hội viên; thăm hỏi 17.497 lượt hội viên ốm đau, gia đình hội viên gặp khó khăn trị giá trên 2,35 tỷ đồng; tổ chức mừng thọ cho 10.585 hội viên, tiễn đưa 6.785 hội viên từ trần với nghi thức trang nghiêm… Các cựu chiến binh còn tham gia các phong trào của địa phương, giữ vai trò chủ chốt của nhiều tổ chức, đoàn thể góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn