Tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm

08:12, 06/12/2019

Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 12.621 cơ sở thực phẩm, trong đó có 772 cơ sở sản xuất, chế biến, 856 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 4.973 cơ sở dịch vụ ăn uống; 1.948 tàu đánh cá, 200 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm, trên 300 cơ sở sản xuất, cung ứng giống chăn nuôi thủy sản; 333 cơ sở cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp với đa dạng, phong phú các loại thực phẩm trong, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu, nên công tác kiểm soát an toàn thực phẩm luôn phức tạp và gặp nhiều khó khăn. 

Các cháu Trường  Mầm non Nam Dương (Nam Trực) nhận phần chia suất ăn.
Các cháu Trường Mầm non Nam Dương (Nam Trực) nhận phần chia suất ăn.

Thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua hàng trăm hội nghị, các hội thi về an toàn thực phẩm giỏi cấp cơ sở…; thu hút hàng chục nghìn đối tượng tham gia. Hàng năm Chi cục tổ chức 3 đợt cao điểm tuyên truyền về an toàn thực phẩm: Đợt 1 vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm; đợt 2 vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5); đợt 3 vào dịp Tết Trung thu; sản xuất hàng trăm băng đĩa nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngắn gọn, dễ hiểu cung cấp đến các xã để phát trên đài truyền thanh địa phương. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã phát 155.200 tờ rơi, tờ gấp về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; 2.500 băng đĩa hình, đĩa tiếng tuyên truyền an toàn thực phẩm; phối hợp tuyên truyền trên các báo, tạp chí, đài Phát thanh - Truyền hình của trung ương và địa phương hàng trăm tin, bài. Tổ chức 527 hội nghị truyền thông trực tiếp với 36.200 lượt người tham dự; 1.568 lớp tập huấn vê công tác an toàn thực phẩm cho hơn 41.100 người làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 12 đợt truyền thông lưu động về đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở. Các đoàn thể chính trị - xã hội lồng ghép nội dung vận động thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào các phong trào cụ thể cho đoàn viên, hội viên. Hội Nông dân, Hội phụ nữ các cấp đẩy mạnh các cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; tích cực hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, nói “không” với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Đoàn Thanh niên tổ chức 318 đợt tuyên truyền về phòng ngừa ngộ độc rượu và ngộ độc nấm, thu hút trên 17 nghìn người tham gia… Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, cả về ý thức, hành động của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm như: Giám sát chất lượng hàng hóa; giám sát các mối nguy (giám sát tại các sự kiện chính trị, văn hóa; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm); điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm; xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Các ngành chức năng đã điều tra nguyên nhân, tăng cường lấy mẫu đối với các cơ sở từng có mẫu vi phạm, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, xử lý các cơ sở vi phạm. Ngành Y tế tăng cường hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm định kỳ hàng tháng. Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường nhằm giám sát chặt chẽ thực trạng, phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục kịp thời sai phạm. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập 2.412 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, kiểm tra 15.157 lượt cơ sở thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 6.403 cơ sở có vi phạm và đã xử lý 2.058 cơ sở (trong đó, phạt hành chính 1.311 cơ sở, với tổng số tiền 2 tỷ 580 triệu đồng). Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tạo chuyển biến trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng cũng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm. 

Trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm với số lượng trên 30 người mắc, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com